Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Cần đầy đủ cơ sở pháp lý để TCTD cung cấp thông tin tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng... để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Tại Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro” diễn ra ngày 25/8, ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, tính đến tháng 8/2023, CIC đã lưu trữ trên 55,3 triệu khách hàng (tăng 6,6% so với cùng kỳ 2022, chiếm 65% tổng dân số trưởng thành). Tăng trưởng cung cấp thông tin của CIC luôn đạt mức từ 15-20% mỗi năm. Trong 6tháng đầu năm 2023 đạt 31 triệu báo cáo các loại.

Chia sẻ kết quả khai thác, ứng dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng (TTTD), đại diện Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã thực hiện kết nối H2H với CIC cùng với việc hợp nhất các hợp đồng hỏi tin riêng lẻ về tập trung tại trụ sở chính.

Theo đó, từng user cá nhân của cán bộ độc lập tại chi nhánh/trụ sở chính có thể kết nối và hỏi tin trực tiếp nhanh chóng, thuận lợi, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Hệ thống kết nối hỗ trợ ngân hàng quản lý quyền truy cập của cán bộ, lãnh đạo rõ ràng và thuận lợi hơn, khai thác được nhiều thông tin phục vụ cho quản trị nội bộ hiệu quả hơn. Do đó, đã nâng cao công tác thẩm định chất lượng tín dụng của khách hàng tại Vietcombank.

Dẫu vậy, ông Bình cho rằng, còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin tín dụng quốc gia.

Thứ nhất, mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành (Dữ liệu thay thế - Alternative Data) liên quan đến Thuế, Bảo hiểm xã hội, giao dịch bảo đảm; Thông tin dịch vụ điện, nước, viễn thông…; Thông tin giao dịch thương mại điện tử; Thông tin dữ liệu về gian lận (fraud bureau).

Thứ hai, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới với Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã quy định cụ thể hơn về việc trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân.

Thứ ba, áp dụng các công nghệ mới, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) như áp dụng công nghệ, thuật toán mới trong xử lý, kiểm soát dữ liệu (Big data, ML, AI, BI…); Nghiên cứu, đầu tư, nâng cấp hệ thống nghiệp vụ lõi; Phát triển phần mềm, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn nhân lực về CNTT, kỹ sư xử lý dữ liệu lớn…

Nhận định về phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ Quản lý Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam và Cam-pu-chia, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC cho biết, tất cả các dịch vụ tài chính hiện nay đều trong giai đoạn chuyển đổi số. Tài chính số đã trở nên phổ biến chứ không còn là những trường hợp ngoại lệ nữa.

"Tài chính số sẽ không thể phát triển mạnh nếu như không có một môi trường kinh doanh thuận lợi mà theo đó cần phải xây dựng các nền tảng cho sự phát triển", bà Huyền nói.

Đại diện Vietcombank đề xuất NHNN xem xét ban hành văn bản quy định/hướng dẫn thực hiện Nghị định 13/2023/NĐCP ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiệu lực từ 1/7/2023) trong hoạt động ngân hàng để các TCTD có đầy đủ cơ sở pháp lý khi cung cấp thông tin cho CIC vì hiện tại việc cung cấp thông tin cho CIC theo quy định mới tại Nghị định 13 phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cho các TCTD.

“Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động thông tin khách hàng để các TCTD cũng như các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin có cơ sở để mở rộng, làm giàu, thu thập và khai thác thông tin khách hàng”, đại diện Vietcombank nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng chia sẻ, trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, TTTD có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia để NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

“Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng”, Phó Thống đốc nói.

Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo TTTD của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ TTTD phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.

“Việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia tại Việt Nam, qua đó, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của NHNN trong chỉ đạo, điều hành và nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro có tính cấp thiết về phương diện lý luận và thực tiễn”, Phó Thống đốc nói.

Tin bài liên quan