Phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản

Phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản

Nợ xấu lộ dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rủi ro nợ xấu gia tăng có thể đến từ lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tỷ lệ cao bất động sản là tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Chưa thể lạc quan

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, nợ xấu quý I/2023 của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được lạc quan, do nhiều yếu tố như kinh tế khó khăn, lãi suất cao. Tại ACB, nợ xấu cuối quý IV/2022 là 0,74%, đến cuối quý I/2023 là 0,84%. Nợ xấu theo CIC tăng khá nhanh. Nợ xấu nếu cộng thêm CIC là 0,94%.

“Năm nay thực sự khó khăn. Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là nợ xấu của khách hàng ở các ngân hàng khác có thể ảnh hưởng thế nào đến ACB. Chúng tôi cố gắng khống chế dưới 1%”, ông Phát nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong năm 2023, do Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022, nhiều khoản nợ xấu bắt đầu lộ dần.

Đó là chưa kể, không ít doanh nghiệp bất động sản cũng quan ngại về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng nếu những khoản nợ của doanh nghiệp không được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ. Năm 2022, nợ xấu tín dụng bất động sản toàn hệ thống ngân hàng là 1,81%, tăng đáng kể so với mức 1,67% năm 2021.

Một lãnh đạo cao cấp VAMC cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thị trường chứng khoán sụt giảm. Đặc biệt, thị trường bất động sản biến động tiêu cực đã tác động lớn đến nguồn cung vốn trên thị trường, làm giảm nguồn thu và dòng tiền của khách hàng.

“Điều này đã ảnh hưởng lớn tới công tác mua bán và xử lý nợ của VAMC trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư quan tâm mua tài sản bảo đảm/khoản nợ và kế hoạch trả nợ của khách hàng”, vị lãnh đạo VAMC chia sẻ.

Theo lãnh đạo VAMC, phần lớn khách hàng được Công ty mua nợ đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có khả năng phục hồi, thậm chí liên quan đến các vụ án, đang chấp hành án. Tài sản bảo đảm xuống cấp, tính thanh khoản kém, khách hàng không hợp tác dẫn đến việc xử lý nợ gặp nhiều khó khăn.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT phân tích, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong năm 2023 do HDB đang tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng - một thị trường sẽ gặp khó khăn khi kinh tế suy thoái; VPBank là doanh nghiệp đầu ngành trong mảng cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit, nhưng sự hồi phục sau dịch của mảng này hiện tương đối yếu; tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tương đối cao sẽ tạo nên rủi ro về chất lượng tài sản; VIB - một ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao và đang tập trung cho vay mua nhà và mua xe được nhận định, tăng trưởng có thể chậm lại do tỷ trọng cho vay mua nhà cao...

“Biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí dự phòng tăng là khó tránh khỏi khi ngân hàng không có tỷ lệ CASA quá cao và tỷ lệ bán lẻ gần như đã được tối ưu hóa. Chất lượng tài sản của VIB cũng không được tốt bằng một số doanh nghiệp cùng ngành khác ở cùng phân khúc cho vay”, báo cáo của VNDIRECT nhận định.

Khuyến nghị 6 lĩnh vực cải cách

Tính đến cuối năm 2022, lĩnh vực bất động sản chiếm 21,2% dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính.

Rủi ro tài chính nổi lên cho thấy nhu cầu cần tăng cường khung chính sách, giám sát và quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tài chính. Trong số các biện pháp chính, 6 lĩnh vực cải cách sau cần được cân nhắc.

Một là, tăng cường khuôn khổ giám sát dựa trên rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm can thiệp sớm nhằm ngăn chặn tình trạng suy yếu bảng cân đối kế toán và khu trú rủi ro mất tính thanh khoản.

Hai là, tăng cường khuôn khổ xử lý các ngân hàng yếu kém hoặc mất khả năng trả nợ. Khuôn khổ vững chắc cần có khung thời gian rõ ràng và các hành động tiếp theo, bao gồm tái cấp vốn, sáp nhập, chia tách tài sản, thu hồi giấy phép, thanh lý… Vai trò của bảo hiểm tiền gửi cũng nên được tăng cường.

Ba là, thiết lập cơ chế và chính sách vững chắc để giám sát các tập đoàn hợp nhất có thành viên là ngân hàng thương mại, bao gồm phân tách rõ ràng giữa ngân hàng và tập đoàn doanh nghiệp.

Bốn là, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo cơ quan giám sát được giao nhiệm vụ pháp lý và được bảo vệ theo pháp luật khi thực thi các biện pháp với thiện ý và trong phạm vi trách nhiệm giám sát. Điều này đặc biệt quan trọng trong can thiệp sớm và giám sát các tập đoàn, bên cạnh các yếu tố khác.

Năm là, tăng cường các chuẩn mực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm tăng cường thị trường chào bán đại chúng minh bạch hơn (đối trọng với chào bán riêng lẻ) và xúc tiến áp dụng đánh giá định mức tín nhiệm để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và ngăn ngừa lạm dụng thị trường.

Sáu là, tăng cường minh bạch chung trong khu vực tài chính. Thiếu minh bạch về thông tin và dữ liệu khu vực ngân hàng có thể là lý do góp phần gây ra những bất định và biến động trên thị trường. Các cấp có thẩm quyền cần định kỳ công bố thông tin theo các chỉ tiêu về thị trường tài chính và khu vực ngân hàng kịp thời và đầy đủ, chi tiết.

Bà Dorsati Madani nhận định: “Nhiều cải cách (vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài) có thể được thúc đẩy nhờ cách tiếp cận chủ động, tích cực của Chính phủ, bởi vì cần có đủ thời gian để hoàn thành những thay đổi cần thiết trong hệ thống văn bản pháp luật nền tảng, cũng như trong thực hành quản lý giám sát”.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang dần hiện hữu. Tín dụng ngân hàng dành cho bất động sản năm 2022 tăng 24%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng nợ xấu gộp tăng từ 3,8% năm 2021 lên tới 4,5% năm 2022 và có thể tiếp tục tăng. Rủi ro lan truyền hơn có thể đến từ việc các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tỷ lệ cao bất động sản là tài sản thế chấp tại ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 85%.

“Việc ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Cường nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%.

Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023. Theo đó, các tổ chức tín dụng nhận định, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý I/2023 tăng nhẹ, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện trong quý II/2023.

Tin bài liên quan