Nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ, VAMC đề nghị sớm thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu

Nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ, VAMC đề nghị sớm thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu

Cần động thái mạnh hơn với nợ xấu ngân hàng

(ĐTCK) Bức tranh xử lý nợ xấu tuy có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận, nhưng vẫn tồn tại nhiều mặt cần cải thiện, đi kèm với đó là đòi hỏi có các động thái mạnh hơn với vấn đề này.

Điểm sáng đáng ghi nhận

Với các biện pháp chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sự chủ động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt nhờ sự ra đời của Nghị quyết 42, năm 2017, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối tháng 12/2017 là 1,99%, cuối tháng 3/2018 là 2,18% (giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016).

Tổng các khoản nợ xấu được xử lý năm 2017 đạt 115,54 nghìn tỷ đồng, phần lớn là do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và bán cho VAMC. Cụ thể: khách hàng trả nợ 35,19 nghìn tỷ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân 32,7 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bán nợ cho VAMC đạt 31,6 nghìn tỷ đồng; sử dụng dự phòng rủi ro 28,45 nghìn tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm 2,5 nghìn tỷ đồng.

NHNN cũng cho biết, tính từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 454,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 60,3%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 39,7%. Về số liệu xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng.

Thực tế, tại các ngân hàng như Vietcombank cho thấy, tính đến 31/12/2017, tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 1,1%. Số dư quỹ dự phòng của Ngân hàng đạt 8.113 tỷ đồng, cao hơn 1,3 lần tổng dư nợ xấu. Tại VIB, tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,49%. Năm 2017, nhà băng này đã mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC và dự kiến đến giữa năm 2018 sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB thông tin, năm 2017, Ngân hàng đã xử lý và thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu và trong năm nay, dự kiến việc xử lý nợ xấu rốt ráo sẽ thu về 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Còn VPBank đã thu hồi gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó gần 1.100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro ngoại bảng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng của riêng Ngân hàng năm 2017 là 2,33% và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 2,89%.

Tồn tại những mảng tối

Báo cáo tài chính quý I/2018 của ABBank cho thấy, Ngân hàng này đang có 1.378 tỷ đồng nợ xấu, tăng nhẹ 3,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm tới 73% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ABBank hiện ở mức 3,02%/tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 2,77% hồi đầu năm.

Cũng theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của MBBank, nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) xấp xỉ 2.730 tỷ đồng, tăng 23,2%. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,4% từ mức 1,2% hồi cuối năm 2017. Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/3/2018, OCB đang có 1.117 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 29,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 623 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% và chiếm 55,8% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của OCB hiện ở mức 2,13%/tổng dư nợ, tăng so với mức 1,79% hồi đầu năm.

Tại BIDV, chi phí dự phòng đã tăng mạnh 156,07% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6.013 tỷ đồng. Trong đó, 215 tỷ đồng chi phí dự phòng chung cho vay khách hàng; 7.794 tỷ đồng chi phí dự phòng cụ thể cho vay khách hàng (tăng 60,2% so với cùng kỳ năm trước). Do quy mô nợ xấu lớn, BIDV đã phải trích dự phòng rủi ro lớn khiến cho lợi nhuận chỉ đạt 2.485 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2018, tăng 9% so với cùng kỳ và lãi sau thuế chỉ đạt 2.021 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước thông tin, tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng thương mại được NHNN mua lại bắt buộc rất cao. Cụ thể, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; OceanBank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ; CB Bank: nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng, theo Báo cáo số 1477/TTGSNH4 ngày 12/5/2017 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn tại một số TCTD, như tại GPBank: năm 2016 thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu.

Còn tại OceanBank: Nợ xấu khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác…; tốc độ thu hồi nợ có xu hướng giảm (từ 6/5/2015, thời điểm NHNN mua lại đến 31/12/2015, thu hồi 2.061 tỷ đồng, năm 2016 là 1.964 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 là 757 tỷ đồng).

Cần những động thái mạnh mẽ hơn

VAMC, một trong những “công cụ” được kỳ vọng sớm giải quyết nợ xấu của hệ thống, đang bộc lộ các hạn chế. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, Nghị quyết 42 đã trao cho TCTD và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm, tuy nhiên, điều kiện lớn nhất để TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm là tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Trong thực tế, phần lớn hợp đồng bảo đảm đã ký trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (1/1/2017), giữa TCTD và khách hàng không có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà chỉ quy định chung chung như: “bên nhận thế chấp được xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật” hoặc “bên nhận thế chấp được toàn quyền bán tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay”.

“Vì vậy, VAMC đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với hợp đồng bảo đảm chỉ có nội dung thỏa thuận như trên. Để đạt hiệu quả tối ưu trong hoạt động xử lý nợ, quy định tại Nghị quyết 42 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, cũng như quá trình thực thi của các cơ quan, bộ ngành liên quan cần có sự đồng bộ, nhất quán, kịp thời”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết thêm, quy định về quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua được quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 hướng dẫn Điều 9 của Nghị quyết 42 mới chỉ hướng dẫn việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức mua bán nợ (tức VAMC), chưa có hướng dẫn đối với việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các cá nhân, tổ chức mua lại khoản nợ từ VAMC.

“Ngoài ra, Nghị quyết 42 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao đối với nội dung này. Nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ, VAMC đề nghị sớm thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg”, ông Thắng nhấn mạnh.

Có liên quan tới vấn đề này, Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2018 của ADB công bố gần đây đã cảnh báo, rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Tin bài liên quan