Cần một chính sách rõ ràng trong thu hút vốn ngoại

Cần một chính sách rõ ràng trong thu hút vốn ngoại

(ĐTCK) NĐT chiến lược có thể hiểu là các NĐT trong và ngoài nước có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

NĐT chiến lược được nhìn nhận là có vai trò quan trọng đối với quá trình cổ phần hóa cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hoặc phát thành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu không dễ thực hiện.

Các số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trong vài năm trở lại đây đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt, điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang được nhìn nhận là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới duy trì các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có NĐT chiến lược nước ngoài cho các DN Việt. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo VCBS, có một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, định hướng quản lý kinh tế trong thời gian tới nên tiếp tục theo hướng đảm bảo mục tiêu duy trì sự ổn định của nền kinh tế với mức tăng trưởng hợp lý và bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, các thủ tục hành chính trong việc thẩm định và cấp phép đầu tư nên đơn giản hóa, từ đó giảm thiểu thời gian và chi phí cho các NĐT quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, NĐT chiến lược thường gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ về tài chính, quản trị cũng như kế hoạch phát triển. Theo đó, việc có được quyền chi phối nhất định trong các hoạt động của doanh nghiệp luôn là một trong những yếu tố hàng đầu mà NĐT chiến lược xem xét. Quyền chi phối này phụ thuộc nhiều vào lượng cổ phần mà NĐT chiến lược đó nắm giữ. Như vậy, một số chính sách và quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này nên điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn để giúp các DN Việt Nam tăng khả năng tìm kiếm và tiếp cận NĐT chiến lược nước ngoài.

Chẳng hạn, ngoại trừ những doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ chi phối hoặc doanh nghiệp đặc thù, nên xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài lên 60% hoặc hơn, từ đó tạo điều kiện cho các NĐT chiến lược nước ngoài tăng tỷ lệ nắm giữ trong doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cổ phần hóa, hiện nay chưa có văn bản nào quy định rõ ràng và cụ thể về tỷ lệ tối đa mà NĐT chiến lược được phép nắm giữ. Thực tế, tỷ lệ này do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, tính chất ngành nghề  và yêu cầu phát triển doanh nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian cổ phần hóa, mà việc đàm phán giữa doanh nghiệp và đối tác tiềm năng trở thành NĐT chiến lược gặp khó khăn, do tỷ lệ sở hữu chưa rõ ràng và chắc chắn. Như vậy, các nhà làm luật nên nghiên cứu đưa ra một tỷ lệ cụ thể mà NĐT chiến lược nước ngoài được phép sở hữu và nắm giữ trong các doanh nghiệp này.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ cổ phần bán cho NĐT chiến lược tối đa là 50% tổng số lượng cổ phần chào bán. Quy định này hạn chế khả năng khối ngoại nắm giữ đủ lượng cổ phần chi phối, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm NĐT chiến lược. Vì vậy, tỷ lệ này cũng cần được nâng lên.

Thứ tư, việc có thu hút được NĐT chiến lược hay không phần nhiều phụ thuộc vào chính bản thân DN. Những DN có nền tảng cơ bản, chiến lược kinh doanh và tiềm năng phát triển tốt chắc chắc sẽ thu hút được sự quan tâm của NĐT chiến lược nước ngoài.

Tin bài liên quan