Techcombank có 4 đợt tăng lãi suất huy động chỉ trong 2 tuần đầu tháng 11

Techcombank có 4 đợt tăng lãi suất huy động chỉ trong 2 tuần đầu tháng 11

Căn nguyên ngân hàng tăng mạnh lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Huy động từ các doanh nghiệp sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để hút tiền gửi dân cư, bù đắp thiếu hụt.

Tiền gửi suy giảm

Một số nhà băng ghi nhận tình trạng tiền gửi của khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2022 suy giảm như MB giảm 2%, xuống 377.145 tỷ đồng, Bản Việt giảm 4%, xuống 43.386 tỷ đồng, KienLongBank giảm 18%, còn 42.225 tỷ đồng,…

Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,31 triệu tỷ đồng, giảm 78.818 tỷ đồng so với tháng 7. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 87.783 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,67 triệu tỷ đồng; tiền gửi của dân cư tăng 7.955 tỷ đồng, lên trên 5,63 triệu tỷ đồng.

Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng trưởng mạnh và vượt qua lượng tiền gửi dân cư vào tháng 11/2021. Kể từ đầu năm 2022, tiền gửi của người dân đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn của hệ thống, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng.

Vì thế, các nhà băng không ngừng tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây, với kỳ vọng thu hút tiền nhàn rỗi, chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu vốn của khách hàng khi được cấp room tín dụng vào đầu năm tới.

Cụ thể, Techcombank tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm từ ngày 15/11. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 12 tháng là 9%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng là 8,7%/năm, dưới 6 tháng là 6%/năm. Đây là lần thứ 4 trong tháng 11, Techcombank thay đổi lãi suất huy động theo hướng đi lên.

NCB vừa tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng đạt 8,6%/năm, 9 tháng là 8,65%/năm, 12 tháng là 8,95%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có lãi suất 9%/năm.

OCB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng lên 8,5%/năm, 12 tháng là 8,8%/năm.

Tại Bản Việt, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 8%/năm, 9 tháng là 8,3%/năm, 12 tháng là 8,6%/năm, 18 tháng là 8,9%/năm.

Mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB, với 9,75%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 9,35%/năm, 12 tháng là 9,65%/năm.

Nhiều nhà băng còn tăng mạnh lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên kịch trần 1%/năm như Techcombank, BIDV, VPBank, Kienlongbank, BacABank, NamABank, SCB, NCB, SeABank, SHB, ACB, MSB… Thực tế, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động (CASA) của không ít ngân hàng giảm trong 9 tháng đầu năm nay như LienVietPostBank giảm 3,8%, Saigonbank giảm 3,1%, VPBank giảm 3%...

Lãi suất hiện đã cao hơn 3 - 4%/năm so với đầu năm, nhưng sức ép nâng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 vẫn còn. Vì thế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng ủng hộ Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Bởi lẽ, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 6 lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD kể từ đầu năm 2022 đến nay, lên 3,75 - 4%/năm và dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 12/2022 cũng như trong năm 2023. Đồng USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá xấp xỉ 8,8%, có khả năng mất giá 10% cho cả năm 2022.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, sắp tới, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá sẽ biến động theo, để kìm mức độ mất giá của VND thì có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất.

Chuẩn bị thanh khoản đón room tín dụng đầu năm mới

Ngân hàng Nhà nước đang tính toán cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023 và “sức khỏe” của ngân hàng là căn cứ đầu tiên để phân bổ hạn mức.

Tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 10/2022 ghi nhận ở mức 11,5% so với cuối năm 2021 và 16,5% so với cùng kỳ.

Trước đó, từ giữa tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cấp hạn mức tín dụng bổ sung cho nhiều ngân hàng thương mại và đầu tháng 10, cơ quan này nới room tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém. Việc này phần nào giúp tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10, thêm hơn 1,5% so với mức tăng 0,6% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8.

Nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, thì trong 2 tháng cuối năm có khoảng 2,5% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng. Mức này được một số chuyên gia và không ít lãnh đạo ngân hàng cho là không đủ đáp ứng nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Vậy nhưng, Ngân hàng Nhà nước ít có khả năng nới hạn mức tín dụng lên trên 14%, đặc biệt khi rủi ro lạm phát đã lớn hơn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 4,3% so với cùng kỳ. Vì vậy, các nhà băng kỳ vọng vào room tín dụng đầu năm 2023, thời điểm nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, dù được nới room tín dụng vào đầu tháng 10, song chỉ tiêu phân bổ mới chỉ được hơn 3% nên dư địa cho vay không đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, ngân hàng kỳ vọng room tín dụng sẽ được mở thêm vào đầu tháng 1/2023 để đẩy mạnh giải ngân.

Để chuẩn bị nguồn cho vay, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi. Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Quyền Tổng giám đốc Vietbank nhận xét, lãi suất trên thị trường tăng phản ánh rất rõ cuộc đua lãi suất của các ngân hàng để huy động vốn.

Theo ông Trung, Vietbank nỗ lực cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thuộc các lĩnh vực cần ưu tiên của nền kinh tế như dược - y tế, nhựa, du lịch, công nghiệp thực phẩm, nhà thầu xây lắp, xây dựng…

“Mọi hoạt động nghiệp vụ tài chính mà doanh nghiệp cần chúng tôi đều có thể cung cấp đầy đủ. Đến nay, Vietbank đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong rất nhiều nhóm ngành. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng gói tín dụng đặc thù cho các ngành nghề khác nhau”, ông Trung nói.

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó có nội dung về cấp room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang tính toán cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023 và “sức khỏe” của ngân hàng chính là căn cứ đầu tiên để phân bổ hạn mức.

Trong năm 2022, để kịp thời thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã căn cứ các kết quả xếp hạng năm 2020 của từng tổ chức theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Đây là kết quả xếp hạng mới nhất tại thời điểm phân bổ đầu năm 2022. Đồng thời, cơ quan này áp dụng một số chỉ tiêu để cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Chính phủ và điều hành của Ngân hàng Nhà nước làm cơ sở điều chỉnh tăng hoặc giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trong quá trình phân bổ như tiêu chí các tổ chức tín dụng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém…

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng đề nghị cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động, xét thêm các tiêu chí khác như tổ chức tín dụng lành mạnh, đáp ứng tiêu chí về an toàn, khuyến khích ở mức độ nhất định với các tổ chức tín dụng tuân thủ các chuẩn mực quốc tế mới như Basel III, mức độ chuyển đổi số..., tránh việc phân bổ cào bằng. Thông tin riêng về room tín dụng đến từng tổ chức tín dụng, vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng, sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.

Đối với kiến nghị về tiêu chí xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cách thức phân bổ…, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các đơn vị chức năng tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Tin bài liên quan