Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng nhanh trong thời gian qua

Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng nhanh trong thời gian qua

Lãi suất tăng, CASA của ngân hàng giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh các kênh đầu tư gặp khó khăn, người dân có xu hướng chuyển sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn trung và dài hạn để hưởng lãi suất tốt. Cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng vì thế càng thêm nóng.

Áp lực từ xu hướng lãi suất tăng

Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng nhanh trong thời gian qua, cao nhất lên tới 11%/năm, còn phổ biến từ 8 - 9,5%/năm cho kỳ hạn từ 7 tháng trở lên. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ huy động vốn không kỳ hạn giảm mạnh.

Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, Techcombank có tỷ lệ CASA là 46,5%, cao nhất toàn ngành, song đã có chiều hướng giảm nhẹ so với mức 47,5% vào cuối quý II/2022. MSB có tỷ lệ CASA đạt 38,25% vào cuối tháng 9/2022, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ này tại MB là 37,1%. Một số ngân hàng thương mại khác thường có tỷ lệ CASA cao như Vietcombank, ACB, Sacombank, VPBank, Vietinbank... cũng chứng kiến đà giảm nhẹ của tỷ lệ này trong quý III.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ CASA trong tổng tiền gửi của nhiều ngân hàng đã chững lại kể từ quý II/2022. Các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản) gặp khó khăn, trong khi lãi suất tiền gửi tăng nhanh khiến nhà đầu tư có xu hướng gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất tốt hơn, thay vì để ở tài khoản thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) với lãi suất không đáng kể.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ CASA giảm trong hai quý liên tiếp, lãnh đạo Techcombank cho biết, thanh khoản thị trường không dồi dào khiến CASA của cả ngành ngân hàng đều giảm, Techcombank cũng không ngoại lệ.

Với diễn biến đó, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank cho hay, chi phí huy động của Ngân hàng không tránh khỏi tăng từ 2,1% lên 2,4% trong quý III. Tuy có giảm so với đầu năm nhưng tỷ lệ CASA của Techcombank vẫn nằm ở mức cao, giúp giảm bớt ảnh hưởng từ chi phí huy động có kỳ hạn và các phần khác tăng lên. Trong dài hạn, Ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA trên tổng vốn huy động đạt 55%.

Các ngân hàng cho hay, thanh khoản không dồi dào, khách hàng sẽ tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Vì vậy, CASA của cả ngành ngân hàng đều giảm, nhưng đó là sự thay đổi của thị trường, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn.

Cuộc đua CASA thêm nóng

Những năm gần đây, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng vốn huy động của các ngân hàng tăng nhanh, góp phần giảm chi phí vốn đầu vào của ngân hàng, giúp họ có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và mở rộng biên lãi ròng (NIM). Cũng vì CASA mang lại nhiều lợi ích như vậy nên việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn đã và đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại.

Tỷ lệ CASA cao được coi như một thành tích đáng nể của ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm, MSB ghi nhận biên lãi ròng (NIM) 4,34% - mức hiệu quả nhất trong các năm gần đây. Cơ sở tăng trưởng NIM một phần đến từ các chiến lược thu hút CASA hiệu quả trong thời gian gần đây như đẩy mạnh số hóa, ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích...

ACB cũng triển khai linh hoạt nhiều giải pháp để huy động CASA, giúp NIM của Ngân hàng tăng trưởng. CASA của ACB dự báo đạt khoảng 27% vào cuối năm 2022, đây là tỷ lệ cao trong hệ thống, giúp chi phí vốn tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng tăng chung của lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ khó thu hút tiền gửi không kỳ hạn hơn, mà ngay cả các khoản tiền gửi không kỳ hạn cũng phải trả lãi suất cao hơn. Lợi thế CASA cao vì thế giảm dần, cuộc đua thu hút dòng vốn rẻ này giữa các ngân hàng sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Mới đây, Techcombank đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm, chạm trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, bất chấp các ngân hàng khác tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn kể từ cuối tháng 9, Techcombank vẫn duy trì mức lãi suất của tiền gửi kỳ hạn này ở mức 0,03%/năm, thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống.

Sau khi Techcombank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm thì nhóm Big 4 đang là những ngân hàng có lãi suất không kỳ hạn thấp nhất hệ thống. Cụ thể, Vietcombank, BIDV và Vietinbank vẫn giữ nguyên mức niêm yết 0,1%/năm. MB và Agribank cao hơn khi áp dụng 0,5%/năm.

Tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại chủ yếu là từ tiền gửi thanh toán của khách hàng. Trước đây, do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng thấp nên nhiều khách hàng không quan tâm nhiều đến việc chuyển tiền chưa dùng đến về tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn.

Trước tháng 9/2022, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của đa số ngân hàng thương mại là 0,02 - 0,2%/năm, tùy từng ngân hàng. Theo Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN: lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng cao, chạm mức 11%/năm.

Vì thế, các nhà phân tích tài chính đưa ra nhận định, áp lực từ chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2022 sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng khó tăng trở lại. KBSV cho rằng, sau động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, áp lực từ chi phí vốn của ngân hàng sẽ tăng.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tiếp để đối phó với lạm phát sẽ gây áp lực tới tỷ giá, làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên. TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Khoa Tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, để ổn định được tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải hai lần tăng lãi suất điều hành trong thời gian gần đây, song Fed còn tăng lãi suất. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5 - 1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm, vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, lãi suất của các ngân hàng thương mại chưa thể sớm hạ nhiệt.

Tin bài liên quan