Ông Trần Thế Ngọc

Ông Trần Thế Ngọc

Cần thống nhất sổ đỏ, sổ hồng

(ĐTCK-online) Đến thời điểm này, việc giao hai cơ quan quản lý nhà nước cấp hai loại giấy chứng nhận về nhà và đất đã bộc lộ nhiều bất cập. Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, qua thực tế triển khai cấp giấy chứng nhận về nhà và đất theo Luật Đất đai và Luật Nhà ở thời gian qua, Bộ TN&MT thấy có những bất cập gì gây phiền hà và tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân?

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, việc cấp sổ đỏ là có tính chất bắt buộc, để Nhà nước quản lý đến từng thửa đất, từng chủ sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất (chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn...) theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2005, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) được thực hiện khi chủ sở hữu nhà ở (đồng thời cũng là chủ sử dụng đất ở) có yêu cầu. Như vậy, việc cấp sổ hồng chỉ thực hiện riêng đối với đất ở và không có tính bắt buộc.

Có thể nhìn thấy sự chồng chéo trong việc cấp giấy chứng nhận về nhà và đất đối với trường hợp sử dụng đất ở hiện nay. Đối với trường hợp đã được cấp sổ đỏ, do trên sổ đỏ chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận tài sản trên đất (ghi nhận về nhà ở), chứ chưa phải là đăng ký quyền sở hữu nhà ở, nên vẫn tạo cảm giác chưa thực sự yên tâm từ phía người dân. Đối với người dân đã được cấp sổ đỏ, nay muốn được đăng ký về quyền sở hữu nhà ở thì lại phải tiếp tục đến “gõ cửa” cơ quan nhà nước, thêm một lần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, nộp lệ phí... và cơ quan nhà nước sẽ thực hiện việc thu hồi lại sổ đỏ đã cấp để cấp sổ hồng. Như vậy là bày đặt thêm thủ tục, giấy tờ. Việc thực hiện cấp sổ hồng cho người dân đã gây nhiều phiền hà, người dân phải đi lại nhiều lần tốn thời gian, công sức và tiền của.

 

Theo Bộ TN&MT, có nên để tồn tại hai loại giấy chứng nhận về nhà đất như hiện nay không?

Bộ TN &MT đã nhiều lần kiến nghị nên thống nhất chung một loại giấy, nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân, tiết kiệm công sức và tiền của cho người dân và cho cả cơ quan nhà nước. Việc thống nhất một loại giấy chứng nhận góp phần quản lý đất đai hiệu quả hơn, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai nói chung cũng như trong quản lý nhà ở.

 

Trong trường hợp Chính phủ đồng ý cấp một loại giấy chứng nhận chung cho cả nhà và đất thì nên giao cho cơ quan nào thực hiện?

Việc thực hiện cấp giấy chứng nhận hiện nay đều do địa phương thực hiện. Vấn đề cần bàn ở đây là nên sử dụng mẫu giấy nào, nên lồng ghép việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà như thế nào để thuận tiện cho người dân, tiết kiệm về thời gian, công sức và tiền của.

Như đã phân tích, các loại tài sản gắn liền với đất thì không chỉ có nhà ở, mà còn có các công trình xây dựng khác như nhà xưởng, cao ốc, văn phòng, khách sạn, công trình giao thông, vườn cây lâu năm... - những loại tài sản cũng đòi hỏi phải được đăng ký quyền sở hữu. Với phân tích này thì rõ ràng là sổ hồng không mang tính đại diện cho toàn bộ loại đất và toàn bộ loại tài sản gắn liền với đất.

Trong khi đó, khi ban hành mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ TN&MT đã tính đến giải pháp có thể thực hiện đăng ký luôn cả quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất bằng việc bố trí một trang trên sổ đỏ để làm việc này. Và thực tế là, trong thời gian chưa có Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP thì Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT ngày 13/4/2005, hướng dẫn các địa phương thực hiện luôn việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở ngay trên trang 4 của sổ đo. Các địa phương đã thực hiện rất tốt việc này cho đến khi Chính phủ yêu cầu dừng lại để thực hiện cấp sổ hồng theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP. Cần nói thêm rằng, hiện nay, mặc dù đã có mẫu sổ hồng mới, nhưng một số địa phương vẫn thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình trên trang 4 của sổ đỏ. Cách làm này đã được người dân chấp nhận và đem lại nhiều lợi ích như đã nêu ở trên.

 

Nếu được giao thực hiện cấp giấy chứng nhận về nhà và đất thì bộ máy của ngành TN&MT có đáp ứng được không, thưa ông?

Hiện nay, hệ thống cơ quan quản lý đất đai được thành lập tới tận cấp xã, quản lý một hệ thống sổ sách ghi chép tới từng thửa đất, từng chủ sử dụng, và đặc biệt là với việc thành lập hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với đủ nhân lực, trang thiết bị để chuyên thực hiện việc cấp giấy chứng nhận thì việc giao cho hệ thống cơ quan quản lý đất đai đảm nhiệm việc này là hợp lý.