Nhìn vào cách thực hiện với thegioididong.com, có thể thấy, Thế giới Di động luôn đi theo cách phủ sóng tràn ngập để tăng biên lợi nhuận tính trên đầu cửa hàng.

Nhìn vào cách thực hiện với thegioididong.com, có thể thấy, Thế giới Di động luôn đi theo cách phủ sóng tràn ngập để tăng biên lợi nhuận tính trên đầu cửa hàng.

“Canh bạc” Bách hóa Xanh

Phương thức mà Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG, sàn HOSE) từng thành công với các chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh liệu có tiếp tục hiệu nghiệm với Bách hóa Xanh?

“Lá bài” Bách hóa Xanh

Theo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2019 của Thế giới Di động, doanh thu thuần đạt 34.122 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và hoàn thành 31% so với kế hoạch năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 1.424 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 40% kế hoạch năm. Riêng tháng 4, Công ty đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng tới 62% so với tháng 4/2018.

Đóng góp của doanh thu online trong tổng doanh thu của Công ty tăng lên 18%. Với tổng giá trị giao dịch 4 tháng đầu năm là 6.010 tỷ đồng, doanh thu online đạt mức tăng trưởng 69% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, Thế giới Di động càng củng cố vị trí về doanh số bán lẻ hàng hoá trực tuyến.

Trong cơ cấu doanh thu theo chuỗi, Điện máy Xanh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 59,2%, tiếp đó là thegiodidong.com với 34%. Chuỗi Bách hóa Xanh tuy chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với “hai người anh em” trên, với 6,8%, nhưng những động thái mới của chuỗi thực phẩm - hàng tiêu dùng này cho thấy, Thế giới Di động có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh như những năm qua hay không phụ thuộc hoàn toàn vào “người em út” này.

Kỳ vọng vào chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 rằng, chuỗi Bách hóa Xanh sẽ có lãi từ năm 2020. Trước đó, chuỗi bán lẻ này đã đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng vào tháng 12/2018 (chưa tính chi phí kho bãi và vận chuyển) và dự kiến đạt điểm hòa vốn (gồm cả cửa hàng và kho bãi) trong năm 2019.

Vẫn “đặt cược” vào lợi thế quy mô

Nhìn vào cách mà Thế giới Di động thực hiện với các chuỗi bán lẻ như thegioididong.com và Điện máy Xanh, có thể thấy, Công ty luôn đi theo cách phủ sóng tràn ngập để tăng biên lợi nhuận tính trên đầu cửa hàng. Đến thời điểm hiện tại, cách làm này vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả, khi biên lợi nhuận ròng lũy kế 4 tháng đầu năm 2019 là 4,2%, vẫn tăng so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018.

Những động thái với Bách hóa Xanh cho thấy, Thế giới Di động vẫn đặt kỳ vọng vào sức mạnh của việc phủ sóng tràn ngập thị trường khi thời cơ chín muồi. Tại thời điểm ngày 30/4/2019, Thế giới Di động có 2.324 cửa hàng, tăng thêm 58 cửa hàng so với cuối tháng 3. Trong đó, điểm đáng chú ý là tốc độ tăng nhanh của chuỗi Bách hóa Xanh, với 43 cửa hàng tăng thêm, chạm mốc 512 cửa hàng vào cuối tháng 4.

Trong cơ cấu chia theo loại cửa hàng, chuỗi Bách hóa Xanh có 63 cửa hàng lớn 300 m2, chiếm 12% tổng số cửa hàng toàn chuỗi. Doanh thu trung bình các cửa hàng khai trương trước ngày 1/4/2019 đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Ngay sau khi vượt mốc 500 cửa hàng trong tháng 4, lần đầu tiên, chuỗi Bách hóa Xanh có 2 cửa hàng đạt doanh thu vượt 4 tỷ đồng/tháng. Cả 2 cửa hàng này đều nằm tại thị trường tỉnh và phục vụ trung bình mỗi ngày từ 1.000 đến 1.200 lượt khách. Trong tháng 4/2019, Bách hóa Xanh bán ra khoảng 6.900 tấn hàng tươi sống, tăng 15% so với sản lượng bán ra trong tháng 3 và tăng 38% so với khoảng 5.000 tấn cuối năm 2018 và tháng 1/2019.

Tuy nhiên, việc Thế giới Di động có lặp lại thành công với Bách hóa Xanh như từng làm được với thegioididong.com và Điện máy Xanh hay không, thì vẫn phải đợi thời gian trả lời. Bởi lẽ, đối thủ trong mảng bán lẻ điện thoại, điện máy (thời kỳ thegioididong.com và Điện máy Xanh bùng nổ) và trong mảng hảng tiêu dùng giai đoạn hiện nay (thời kỳ của Bách hóa Xanh) rất khác nhau.

Trong khi đó, sức khỏe tài chính của Thế giới Di động không phải là tốt, khi nợ phải trả tại thời điểm 31/3/2019 cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, trong đó ngắn hạn chiếm phần lớn.

VinMart nuôi tham vọng trở thành hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam

Hệ thống VinMart và VinMart+ của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce (Tập đoàn Vingroup) mới ra đời năm 2014 nhưng đang nuôi tham vọng lớn trở thành hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, dẫn đầu về cung cấp sản phẩm tiêu dùng và chất lượng dịch vụ trong đời sống người Việt. Đến cuối 2018, Vincommerce đã sở hữu 107 siêu thị VinMart và 1.721 cửa hàng VinMart+, trở thành đối thủ lớn của Bách hóa Xanh.

Tin bài liên quan