Kỳ vọng vào việc mở cửa thị trường, nhiều nước đang cuốn hút vào làn sóng ký kết FTA.

Kỳ vọng vào việc mở cửa thị trường, nhiều nước đang cuốn hút vào làn sóng ký kết FTA.

Cảnh báo mới về FTA

(ĐTCK-online) Giáo sư Joseph Stiglitz, người được nhận giải thưởng Nobel về kinh tế và từng là nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, vừa đưa ra cảnh báo rằng, các nước đang phát triển có thể chịu nhiều tổn thất khi ký kết các thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) song phương với các nước phát triển.

Gần đây, việc ký kết FTA giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển lại trở thành một đề tài nóng được bàn đến nhiều, đặc biệt là về những rủi ro đối với các nước đang phát triển. Trong chuyến thăm Malaysia vừa qua, ông Stiglitz đã chỉ trích mạnh mẽ các FTA giữa Mỹ với các nước đang phát triển và nhấn mạnh rằng, các thỏa thuận mậu dịch tự do như vậy không đem lại nguồn lợi cho các nước đang phát triển. “Trên thực tế, các nước đang phát triển bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là về khía cạnh sở hữu trí tuệ. Do đó, hàng ngàn người tại các nước đang phát triển đang sống dở, chết dở vì các thỏa thuận mậu dịch tự do với Mỹ”, ông Stiglitz nói.

Ông Stiglitz thậm chí còn nhấn mạnh: “Nói chung, các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương đã trở thành thảm họa đối với các nước đang phát triển và đối với cả hệ thống thương mại toàn cầu”.

Đánh giá trên của ông Stiglitz cũng đã được Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) khẳng định thêm trong Báo cáo Thương mại và Phát triển mới công bố vào trung tuần tháng 9 này. Trong Báo cáo, UNCTAD khuyến cáo các nước đang phát triển “hãy suy nghĩ một cách thận trọng trước khi đàm phán về các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương với các nước phát triển”.

Theo phân tích của UNCTAD, các nước đang phát triển có thể bị lôi cuốn vào làn sóng ký kết FTA với các nước phát triển, vì các nước kỳ vọng vào việc mở cửa thị trường cho sản phẩm của họ. Nhưng sau đó, các nước đang phát triển thường thất vọng do không cải thiện được tình hình vì vướng phải nhiều trở ngại mang tính hệ thống (như giảm trợ cấp nông nghiệp không phải là một phần của FTA), những hạn chế về quy định xuất xứ, các hàng rào phi thương mại. Mặt khác, nước đang phát triển phải xóa bỏ các hàng rào thương mại mà việc này thường dẫn đến bùng nổ xuất khẩu, làm xấu đi cán cân thương mại với đối tác ký kết FTA, đồng thời phải xóa bỏ những công cụ chính sách cần thiết cho phát triển.

“Do đó, nguồn lợi đem lại cho các nước đang phát triển từ việc cải thiện khả năng thâm nhập thị trường còn lâu mới được đảm bảo, trong khi các nước này phải từ bỏ không ít công cụ chính sách mà họ có thể sử dụng để thúc đẩy việc tạo ra các năng lực sản xuất mới, phát triển công nghiệp và thay đổi cơ cấu nền kinh tế”, Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh.

Báo cáo Thương mại và Phát triển của UNCTAD còn nêu ra 5 lĩnh vực phi thương mại trong các FTA với các nước phát triển mà có thể gây tổn hại đặc biệt lớn đối với các nước đang phát triển.

Thứ nhất, trong mua sắm chính phủ, các nước đang phát triển sử dụng các chính sách có lợi cho các công ty và người dân trong nước và thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển. Tuy nhiên, FTA loại bỏ công cụ chính sách này bằng việc quy định cho phép người nước ngoài tham gia hoạt động mua sắm chính phủ.

Thứ hai, việc tự do hóa các dịch vụ theo quy định của FTA có thể phá vỡ kế hoạch phát triển các ngành dịch vụ trong nước, như ngân hàng, tài chính, viễn thông và các dịch vụ nghề nghiệp.

Thứ ba, các quy tắc bảo vệ nhà đầu tư theo FTA tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, đồng thời làm giảm mạnh thẩm quyền của nước chủ nhà trong việc quyết định liệu có thông qua một dự án đầu tư nước ngoài nào đó hay không hoặc đưa ra điều kiện đối với những dự án đầu tư nào đó. Hơn nữa, nhiều biện pháp có lợi cho các nhà đầu tư trong nước bị thu hẹp do những biện pháp đó được coi là phân biệt đối xử đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “Một số biện pháp được Malaysia áp dụng thành công, như những hạn chế tạm thời đối với việc người nước ngoài chuyển vốn ra khỏi Malaysia trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, sẽ bị cấm ràng buộc bởi cam kết FTA”, Báo cáo của UNCTAD nêu ví dụ.

Thứ tư, về sở hữu trí tuệ, Báo cáo của UNCTAD cho rằng, các FTA làm giảm khả năng của các nước đang phát triển trong việc thực hiện các chính sách về cấp bằng sáng chế, sử dụng bằng sáng chế và những vấn đề liên quan đến bản quyền.

Thứ năm, FTA có thể cản trở hoạt động của các công ty trong nước và giảm khả năng của các công ty này trong việc cạnh tranh với công ty lớn của nước ngoài.

“Do vậy, các nước đang phát triển phải hết sức thận trọng và không nên chạy đua ký kết các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương và khu vực với các nước phát triển”, Báo cáo của UNCTAD kết luận.