Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Cảnh báo sớm về suy thoái kép, các quốc gia châu Âu có thể bị vỡ nợ đầu tiên

(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc các chính phủ triển khai các gói tài khóa (Giảm thuế, tăng đầu tư công) lớn so với lịch sử để hỗ trợ hàng triệu công nhân, doanh nghiệp của họ và điều này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng mới: nợ công.

“Các nhà lãnh đạo đồng ý cần thiết phải thực hiện chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng các khoản nợ phát sinh theo thời gian có thể trở thành một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn và suy thoái kép đối với một số quốc gia”, Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) cho bị cho biết. 

Trong báo cáo cuối tháng 3/2020 của EIU cho biết: “Khủng hoảng nợ có thể sẽ xảy ra thời gian tới. Hiện tại, các chính phủ đang tăng cường chi tiêu mở rộng chính sách tài khóa để chống lại dịch bệnh, duy trì hoạt động kinh tế cơ bản và giữ công việc cho người lao động. Do đó, thâm hụt tài khóa sẽ tăng mạnh trong những năm tới”.

Ngay từ đầu tháng 1/2020, trước khi các quốc gia thực hiện phong tỏa biên giới, giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu. Khủng hoảng nợ toàn cầu được mô tả như làn sóng tích lũy nợ hiện tại, bắt đầu từ năm 2010 tới nay, giá trị nợ đã tăng nhiều, nhanh và rộng khắp trên toàn cầu, hiện tượng vay nợ để tài trợ tăng trưởng đã bắt đầu có từ năm 1970 tới nay.

Theo Viện tài chính quốc tế (IIF), trong nửa đầu năm 2019, nợ toàn cầu tăng 7,5 nghìn tỷ USD, đạt kỷ lục mới hơn 250 nghìn tỷ USD. Không có dấu hiệu tốc độ tăng vay nợ chậm lại, IIF kỳ vọng nợ toàn cầu sẽ sớm vượt 255 nghìn tỷ USD trong năm 2019 chủ yếu do Trung Quốc và Mỹ tăng vay nợ, điều được IIF dự báo trước khi có đại dịch Covid-19 xảy ra.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế toàn cầu năm nay rất có thể sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, khi các chính phủ trên thế giới đã phong tỏa biên giới, giãn cách xã hội và hạn chế người dân đi lại, khiến hoạt động kinh tế bị ngừng lại. IMF dự báo, GDP toàn cầu suy giảm 3% trong năm 2020. Trong tháng 1, tổ chức này đã dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm.

Chủ tịch IMF, bà Kristalina Georgieva cho biết, một nửa các quốc gia trên thế giới đã yêu cầu IMF hỗ trợ. Như vậy, có thể thấy mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các quốc gia châu Âu có thể bị vỡ nợ đầu tiên

Báo cáo của EIU cảnh báo rằng, dưới áp lực chưa từng có từ dịch Covid-19 và không chắc chắn về thời gian kết thúc của cuộc khủng hoảng hiện tại, các lựa chọn giảm nợ vay sau khi khủng hoảng qua đi là rất khó khăn. Mặc dù chính sách thắt lưng buộc bụng đã được sử dụng để hạn chế thâm hụt ngân sách trong quá khứ, nhưng điều này khó có thể chứng minh khả thi trong bất kỳ sự phục hồi nào sau khủng hoảng do tác động tiêu cực của khủng hoảng mới trải qua.

Không có biện pháp thực tế nào để ngăn chặn khủng hoảng nợ công, một cú sốc thứ 2 và có khả năng sâu hơn sẽ tác động tới khu vực châu Âu, đặc biệt các nước phát triển có nợ công nhiều như Ý, Tây Ban Nha, điều này có khả năng sẽ lan rộng ra nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Để giảm thâm hụt, việc chính phủ tăng thuế cao hơn sẽ khó thực hiện trong một thời gian dài và thậm chí không đủ để bù đắp thiếu hụt. Chúng ta có thể thấy sự quan tâm của nhà đầu tư về các khoản nợ của các chính phủ ở châu Âu ngày một suy giảm.

Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU cho biết, về trung hạn, nhiều nước phát triển có thể thấy mình đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nợ. Điều này được kết hợp bởi thực tế là nhiều quốc gia châu Âu nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch như Ý và Tây Ban Nha, các quốc gia đã gặp khó khăn về nợ công trước khi có dịch buộc phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.

Tây Ban Nha và Ý là hai quốc gia bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch sau Mỹ với 182.816 và 165.155 người nhiễm bệnh tính tới ngày 17/4/2020. Hiện Ý đã có hơn 21.600 ca tử vong, số tử vong ở Tây Ban Nha là hơn 19.100 người.

“Phần lớn châu Âu vẫn đang trải qua năm khó khăn, bị đè nặng bởi nợ cao, thâm hụt tài khóa và dân số già. Một cuộc khủng hoảng nợ ở bất kỳ quốc gia nào trong số này sẽ nhanh chóng lan sang các nước phát triển và các thị trường mới nổi, đưa nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khác, có thể sâu hơn nhiều”, Agathe Demarais cho biết.

Một quan điểm tích cực cho rằng

Steve Brice, chiến lược gia đầu tư chính tại Ngân hàng Standard Chartered nói với CNBC rằng: “Ông không thấy một cuộc khủng hoảng nợ nào sắp tới. Chúng tôi sẽ tránh được một khủng hoảng nợ, nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi có thể nhận được một vài tin tức tồi tệ, như chương trình cho vay cứu doanh nghiệp nhỏ trị giá 349 tỷ USD của Mỹ đã hết tiền vào thứ Năm. Rõ ràng chúng tôi cần phải có thêm quỹ để tiếp tục cho vay, điều này sẽ không dễ dàng có được trong 2 hay 3 tuần tới”.

Mặt khác, ông Brice cũng nói thêm: “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng khó khăn sẽ đi qua, nhưng trong thời gian tới, nếu bạn không nhận được tín hiệu tích cực về việc mở lại nền kinh tế, thì thị trường sẽ bị tổn thương trong ngắn hạn”.

Tin bài liên quan