Cấp bách chặn đà suy giảm tăng trưởng

Cấp bách chặn đà suy giảm tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho đến thời điểm này, những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2023 suy giảm đã có thể cơ bản nhận diện.

Nguyên nhân bên ngoài là suy thoái kinh tế thế giới, chu kỳ lãi suất cao chống lạm phát sau chu kỳ bơm tiền rẻ. Nguyên nhân bên trong là những vướng mắc nhiều năm của thị trường bất động sản và tâm lý sợ sai của không nhỏ cán bộ cấp thừa hành, sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu sau giai đoạn phát triển bùng nổ thiếu kiểm soát, sự cố tại các ngân hàng yếu kém... Kết hợp của các câu chuyện này dẫn đến ách tắc lưu thông vốn khiến các thực thể kinh tế “thiếu máu”, ngại vận động...

Sự hội tụ của các tác nhân tiêu cực vào cùng thời điểm khiến ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trở nên trầm trọng hơn mức độ hình dung của nhiều dự báo, phân tích kinh tế cũng như của giới đầu tư.

Sau nhiều thảo luận, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đã lần lượt được ban hành và ngày càng đi vào trọng tâm, nhưng vấn đề nổi lên hiện nay, theo khảo sát nhiều chủ thể trong nền kinh tế của Báo Đầu tư chứng khoán là việc chặn đà suy giảm tăng trưởng đã trở nên cấp bách hơn.

Đặc biệt là niềm tin trong môi trường kinh doanh chưa trở lại mà tâm lý doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư đang ở thế quan sát, theo dõi...

Phổ biến nhất vẫn là nhận định sẽ mất nhiều thời gian để kinh tế phục hồi, bởi các chính sách hỗ trợ kinh tế dù liên tục được ban hành nhưng tốc độ thực thi trong thực tế còn chậm và còn nhiều rào cản để trở nên hiệu quả.

Điển hình là giải ngân đầu tư công dù Chính phủ rất quyết liệt nhưng giải ngân trên thực tế còn thấp, cho vay lãi suất ưu đãi khó triển khai… Vì thế, độ trễ của chính sách hỗ trợ sẽ dài hơn dự tính.

Trong khi đó, cả thế giới suy giảm sức cầu, lãi suất cao làm doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực, sức khỏe tài chính suy yếu, số ngày làm việc của người lao động suy giảm… Tâm lý co cụm, phòng thủ, giữ tiền là chủ đạo trong nền kinh tế.

Để giải bài toán này, việc ban hành những chính sách được bàn thảo để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn nền kinh tế tắc nghẽn thanh khoản vào cuối năm ngoái như thời gian qua là cần nhưng chưa đủ. Nhiều doanh nghiệp và một bộ phận nền kinh tế như người bệnh mãn tính, cơ thể ngày càng suy kiệt, khả năng đề kháng suy giảm nên đơn thuốc cần phải tăng liều, thậm chí bổ sung biệt dược. Đó là những giải pháp tổng thể về chính sách tiền tệ cùng tài khóa, miễn giảm thêm nhiều loại thuế để “khoan sức doanh nghiệp”.

Trong Tiêu điểm của số báo này, Đầu tư Chứng khoán ghi nhận những kỳ vọng của doanh nghiệp về tác động tích cực của các chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng, thị trường trái phiếu, đồng thời cũng phản ánh những nỗi lo mới của cộng đồng đầu tư trước thực tế suy giảm kinh tế đã và đang diễn ra.

Rõ ràng, yêu cầu chặn đà suy giảm kinh tế đã trở nên cấp bách với cả tốc độ ban hành, thực thi và “liều lượng” của hệ thống các chính sách, mà một trong những chính sách có sức nặng lớn nhất được kỳ vọng là bơm “tiền tươi”, cứu thanh khoản khiến cộng đồng doanh nghiệp và những thị trường mà nhịp đập phụ thuộc lớn vào dòng tiền như chứng khoán, bất động sản… trở nên có sức sống hơn.

Tin bài liên quan