Rất ít ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí để được cấp thêm room tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Rất ít ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí để được cấp thêm room tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Cấp thêm hạn mức cho vay là giải pháp tạm thời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, bởi chỉ số ít ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí để được phân bổ thêm room tín dụng.

Chỉ còn 4 tuần nữa là hết năm 2022, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới thêm room tín dụng. Bà có nhận định gì về động thái này?

Hiện tại, lạm phát toàn cầu có xu hướng tạo đỉnh, đa phần thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất điều hành lên mức 5%/năm trong nửa đầu năm 2023 và dự đoán 1 đợt giảm lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc quý I/2024 (nguồn: Bloomberg). Tương tự, các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Châu Âu (ECB) cũng có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 để giảm lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect

Ở trong nước, lạm phát đã phần nào được kiểm soát, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống dưới mức 24.000 đồng/USD, thanh khoản hệ thống liên ngân hàng đã ổn định. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc NHNN đưa ra quyết định tăng hạn mức tín dụng là có cơ sở nhằm xoa dịu căng thẳng thanh khoản thị trường tháng cuối năm, khi mà nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất cấp bách.

Cũng theo NHNN, tính đến thời điểm đầu tháng 12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%, như vậy so với kế hoạch ban đầu 14% thì vẫn còn dư địa 1,8% nữa, cộng thêm 1,5-2% tăng thêm thì room tín dụng toàn hệ thống sẽ có khoảng 3,3-3,8%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 330.000-400.000 tỷ đồng có thể sẽ được cho vay ra thị trường trong tháng 12 này.

Mặc dù việc nới room tín dụng là giải pháp tạm thời, khi áp lực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn, song tôi cho rằng, đây vẫn là một thông tin tích cực đối với thị trường tài chính nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

NHNN cho biết, thanh khoản hệ thống đã bớt căng thẳng, liệu các ngân hàng có tiền để cho vay?

Hiện vẫn chưa có công bố chính thức về tỷ lệ phân bổ room tín dụng tăng thêm cho từng ngân hàng, song NHNN cho biết sẽ ưu tiên những ngân hàng có thanh khoản tốt cũng như có nỗ lực cắt giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…

Tuy vậy, hiện nay, áp lực cân đối vốn từ các ngân hàng vẫn rất lớn khi khoảng cách huy động - cho vay ngày càng nới rộng. Theo số liệu tính đến ngày 20/9/2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), huy động của các tổ chức tín dụng tăng 4,04%; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%. Sự lệch pha tăng trưởng này là nguyên nhân kéo mặt bằng lãi suất đầu vào tăng vọt từ đầu năm đến nay, cũng như đẩy tỷ lệ LDR (tỷ lệ cho vay/huy động) của các ngân hàng lên cao.

Theo ước tính của chúng tôi, vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ LDR tăng mạnh so với cuối năm 2021, một số ngân hàng đã gần chạm trần theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vì vậy, có thể nói, nếu các quy định về cho vay vẫn giữ như hiện nay (tỷ lệ LDR, tỷ lệ cho vay bất động sản…) thì rất ít ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí để được cấp thêm hạn mức cho vay mới.

Theo bà, nới room tín dụng có khiến thanh khoản hệ thống căng thẳng trở lại và hướng giải quyết nếu điều này xảy?

Tôi cho rằng, NHNN đã xây dựng phương án chuẩn bị cho tình huống này. Cùng với quyết định điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thì NHNN đã tái khởi động hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá, mở rộng một số loại giấy tờ có giá được phép cầm cố (theo Thông tư 16/2022/TT-NHNN) thể hiện trạng thái sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản trong thời gian tới.

Cho vay đang tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, trong khi bất động sản đang gặp khó khăn, liệu tín dụng có chảy vào một trong những “trụ cột” của nền kinh tế này?

Tại Việt Nam, vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và huy động từ người mua nhà trả trước là 3 kênh tài trợ vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay, cả 3 kênh dẫn vốn này đều gặp khó, dẫn đến dòng tiền của nhiều nhà phát triển bất động sản cạn kiệt.

Khó tiếp cận nguồn vốn đang khiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đuối sức và có thể phải rời bỏ thị trường. Trong khi đó, ảnh hưởng của thị trường bất động sản tới hệ thống tài chính - ngân hàng là rất lớn và câu chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc là một minh chứng. Vì vậy, việc bơm vốn cho thị trường bất động sản trong thời điểm hiện nay là một bài toán phức tạp và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Tại Trung Quốc, khi rủi ro của thị trường bất động sản dần lan đến thị trường tài chính, từ giữa tháng 11/2022, ngân hàng trung ương nước này cũng phải đảo ngược chính sách “ba lằn ranh đỏ” và nới lỏng hơn các quy định về cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, việc hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh hiện nay cũng chưa hẳn khả thi khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh đang có xu hướng chậm lại do nhu cầu thế giới suy giảm. Hiện có khá nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề có nên đưa tín dụng hướng vào thị trường bất động sản hay không? Quan điểm của tôi là không nên chặn dòng vốn chảy vào lĩnh vực này, mà cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với một số phân khúc có tính đầu cơ cao, còn lại cần có sự chọn lọc và hướng tới đối tượng cụ thể, bởi vẫn có những doanh nghiệp bất động sản kinh doanh hiệu quả, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tôi cho rằng, đây là những đối tượng và phân khúc sản phẩm cần được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này.

Theo bà, đợt điều chỉnh room tín dụng lần này tác động của tới thị trường như thế nào?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, nới room tín dụng là giải pháp tạm thời bởi chỉ số ít ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí để được phân bổ thêm hạn mức cho vay, qua đó giải tỏa phần nào tâm lý căng thẳng cho các doanh nghiệp đang phải xoay xở nguồn vốn, gia hạn các khoản vay cũ, phần còn lại tác động đến thị trường cũng không quá lớn. Chúng tôi chờ đợi thêm các thông tin từ cơ quan quản lý về việc có điều chỉnh các tiêu chí, quy định về cho vay hay không.

Trong trung và dài hạn, việc triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố đáng chờ đợi, vì đây là một kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng sẽ góp phần giải tỏa được nguồn vốn lớn đang tồn đọng trong hệ thống.

Điều quan trọng nữa là tín dụng cho năm 2023, theo bà, cần tính toán ra sao?

Bước sang những tháng đầu năm 2023, tôi cho rằng áp lực lãi suất, tỷ giá vẫn sẽ khá lớn khi Fed duy trì đà tăng lãi suất ít nhất thêm 125 điểm cơ bản và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho khoản trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn vẫn còn đó. Áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào được giải tỏa từ giữa năm 2023 kết hợp giữa 2 xu hướng Fed “bớt diều hâu” và dự trữ ngoại hối Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, cũng như lãi suất có xu hướng giảm dần.

Theo đó, tín dụng được dự báo tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm và khởi sắc hơn từ nửa cuối năm 2023, cả năm sẽ ở mức 11-12% bởi 3 yếu tố chính: Thứ nhất, do thị trường bất động sản vẫn kém khả quan khi các chủ đầu tư tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như rủi ro thanh toán cho khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tăng lên. Ngoài ra, môi trường lãi suất cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà của người dân.

Thứ hai, đà tăng trưởng của một số đầu tàu kinh tế của Việt Nam đang chậm lại trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Xuất khẩu - một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức khoảng 9-10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Dịch vụ tiêu dùng nội địa, vốn là đầu kéo tăng trưởng GDP sau dịch cũng sẽ chậm lại khi quy mô sản xuất thu hẹp và thị trường lao động trầm lắng. Các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Thứ ba, ngoài tỷ lệ LDR của các ngân hàng hiện ở ngưỡng khá cao, giảm dư địa cho vay mới như đã đề cập ở trên, thì tỷ lệ an toàn vốn cũng là một yếu tố hạn chế năng lực tín dụng của một số ngân hàng.

Trong những năm gần đây, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang cố gắng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng bắt đầu giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng cho Basel III. Những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và vốn hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bộ đệm vốn của các ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với các nước trong khu vực. Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chiếm gần 50% thị phần cho vay, có tỷ lệ CAR trung bình chỉ 9%, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%. Vì vậy, nếu chưa có phương án cụ thể giải quyết bài toán tăng vốn trong giai đoạn 2023-2024 thì bộ đệm vốn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng này cũng như toàn hệ thống.

Tin bài liên quan