Cấp thiết đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trị giá 146.990 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Hoàn thiện các tuyến cao tốc giai đoạn 2 không chỉ khép kín tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà còn tác động tích cực đến quá trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Sáng nay (4/1), tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình số 568/TTr - CP về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án đặc biệt quan trọng của đất nước

Theo đó, để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 729 km, quy mô 4 làn xe bao gồm các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ); Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau sẽ được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.

Trên cơ sở nguồn vốn được Quốc hội dự kiến phân bổ cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ đã rà soát, đánh giá điều kiện cụ thể của từng dự án để xây dựng danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo nguyên tắc ưu tiên nguồn vốn đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, điều hòa và sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn; trong đó tập trung, ưu tiên nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Dự án, đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, gồm 47.169 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, phần còn thiếu 72.497 tỷ đồng sẽ được cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn ngân sách đã bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025; chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 27.324 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Tại Tờ trình số 568, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trong bước nghiên cứu khả thi.

Tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Về công tác tổ chức thực hiện, Chính phủ cho biết là sẽ giao Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện Dự án, trừ các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có đề xuất riêng.

Để đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu, rút kinh nghiệm quá trình triển khai các dự án giai đoạn vừa qua, ngay trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT tính toán xác định cụ thể nhu cầu vật liệu đối với từng dự án, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ tình trạng các mỏ đang khai thác, kịp thời triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch mỏ, quy hoạch sử dụng vật liệu và cấp phép các mỏ mới theo đúng quy định.

“Chính phủ cũng sẽ có cơ chế, giải pháp quản lý chặt chẽ về giá vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm các tình trạng đầu cơ, nâng giá, gây khó khăn trong triển khai đầu tư các dự án, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Do tính linh hoạt cao, đóng vai trò kết nối cho tất cả các phương thức vận tải khác và rất lợi thế đối với vận tải cự ly ngắn và trung bình... nên đường bộ vẫn là hình thức vận tải phổ biến và luôn chiếm thị phần lớn nhất. Trong hệ thống đường bộ, đường bộ cao tốc là công trình hiện đại, năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, là công trình có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063 km, thời gian vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư các đoạn có nhu cầu cấp bách (đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km).

Tuy nhiên, còn lại 756 km chưa được đầu tư nên việc khai thác chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả khai thác. Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, nếu không kịp thời đầu tư các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại.

Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn qua Đồng Nai
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn qua Đồng Nai

Nhiều tác động tích cực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biễn rất phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, để giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt nhằm khắc phục các ảnh hưởng của đại dịch, cũng như tạo đà để phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

“Chính phủ xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, trong dài hạn là phát triển hạ tầng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc. Đồng thời, tại Kết luận số 18-KL/TW Bộ Chính trị đã kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành Dự án”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Theo tính toán sơ bộ, nếu nhượng quyền thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng; nếu nhượng quyền thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc hoàn thiện các tuyến cao tốc giai đoạn 2, khép kín tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như xã hội. Trong giai đoạn thi công, dự án sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm, không chỉ cho các kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia xây dựng mà còn cả những người dân địa phương.

Theo thống kê tại Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, với tổng mức đầu tư 12,6 nghìn tỷ đồng, dự án đã tạo ra việc làm trực tiếp cho trung bình khoảng 1.200 lao động/năm.

Bên cạnh đó còn có hàng nghìn cơ hội làm việc khác chưa thể thống kê hết từ các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, từ cộng đồng dân cư cung cấp dịch vụ thiết yếu cho sinh hoạt của người lao động tại dự án. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ tăng lên làm tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng.

Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, với giao thông thuận lợi, các cụm công nghiệp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, các vùng sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi trong việc bán sản phẩm. Việc kết nối thuận lợi và nhanh chóng với hệ thống cảng biển, sân bay, cửa khẩu tạo ra động lực cho sự phát triển về kinh tế. Nhu cầu việc làm tại địa phương sẽ tăng lên, số người di trú tới các tỉnh/thành phố khác để làm việc sẽ giảm xuống, dẫn tới giảm áp lực về hạ tầng tại một số thành phố lớn.

Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của cộng đồng cũng được nâng cao thông qua việc cải thiện y tế và an toàn do giảm tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian tiếp cận với các cơ sở y tế, giáo dục.

Tin bài liên quan