Khách quốc tế đến Hội An Ảnh Lê Toàn

Khách quốc tế đến Hội An Ảnh Lê Toàn

CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Thời kỳ “bình thường mới” của ngành du lịch chỉ trở lại vào năm 2024-2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với gần 40 năm lăn lộn trong ngành, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp, cũng như chưa được đầu tư xứng đáng.

Số liệu thống kê của các công ty du lịch, sau khi Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch quốc tế, lượng khách quốc tế trong tháng 5 tăng gần 13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thị trường nội địa lũy kế 4 tháng đầu năm cũng đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019.

Chia sẻ tại tại Talkshow The Next Power với chủ đề "Chiến lược 'rã đông' sau Covid-19 của ông lớn du lịch" tổ chức ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, đại dịch là ngủ đông tích cực, đến lúc rã đông cũng phải tích cực. Nếu không, chuyển đổi chậm, trạng thái chậm sẽ làm doanh nghiệp hụt hơi và không theo kịp yêu cầu thị trường.

Chẳng hạn trước đây, Vietravel mạnh về du lịch vào và đi của du khách nước ngoài, còn du lịch trong nước chỉ ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, sau dịch, Công ty tập trung những nguồn lực để khai thác toàn bộ sản phẩm, khai thác cảnh đẹp, những giá trị mà trước dịch chưa được quan tâm, chẳng hạn những chương trình như ngắm hoàng hôn, khám phá ẩm thực, khám phá điểm đến, thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ bởi du khách nội địa. Việc này tạo thành hệ sinh thái tuần hoàn trong kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty cũng thay đổi rất nhiều vào công nghệ với việc chuyển đổi số. Ngoài website, Công ty còn bán gói dịch vụ trên app và các trang thương mại điện tử.

Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, Việt Nam tăng lên 8 bậc trong xếp hạng Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2021, mức tăng điểm cao nhất trong 117 nền kinh tế trên thế giới.

Một phân tích của Viện Kinh tế Mastercard cũng cho thấy, nếu xu hướng đặt vé máy bay tiếp tục được duy trì ở tốc độ như hiện tại, ước tính sẽ có thêm 430 triệu hành khách bay đến châu Á - Thái Bình Dương so với năm ngoái.

Sau hai năm hoạt động du lịch bị đình trệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2022, việc nới lỏng hạn chế đi lại và mở cửa biên giới đã khiến cho nhu cầu du lịch cả trong và ngoài nước tăng vọt. Tuy nhiên, với gần 40 năm lăn lộn trong ngành, ông Kỳ cho rằng, du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp, cũng như chưa được đầu tư xứng đáng dù được đưa vào là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin.

“Bản chất câu chuyện là chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng du lịch. Du lịch cần phải thực chất, phục vụ nhu cầu con người. Du lịch thể hiện độ văn minh của một xã hội, sự phát triển của một nền kinh tế và sự ưu việt của một nền văn hóa dân tộc”, ông Kỳ nhấn mạnh và cho rằng: “Ngành du lịch phải tái cấu trúc lại”.

Sự tái cấu trúc này cần được gắn trong một xã hội sau dịch với các hoạt động trở nên nhanh, ít chạm, an toàn, công nghệ theo đó phải được thay đổi để theo kịp yêu cầu. Khách du lịch cũng đang có sự xuất hiện của nhiều tầng lớp khách du lịch mới là giới trẻ, đặc biệt là gen Z (những bạn sinh từ năm 1997 đến 2001), nhóm công chúng đã được làm quen với công nghệ, điện thoại, internet trong 20 năm qua.

Ông Kỳ dự báo, thời kỳ “bình thường mới” của ngành du lịch chỉ trở lại vào năm 2024 - 2025 do thời gian chữa lành phải mất 2 - 3 năm. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia sẽ mở cửa du lịch vào khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và đặc biệt là 3 thị trường khách lớn nhất vào Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (khu vực Đông Bắc Á).

Ông Kỳ cũng đánh giá, từ năm 2023 - 2025 là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được định hình trở lại, tâm lý xã hội và yêu cầu xã hội theo đó cũng được cải thiện hoàn toàn và khi đó, chúng ta sẽ thấy một thế giới phẳng như năm 2019.

“Nếu chúng ta không thay đổi nhanh, biến hình nhanh mà còn lưu luyến thì sẽ bị bỏ lại. Chúng tôi phải chuẩn bị rất là kỹ để khi sau dịch, phải xuất phát nhanh, nếu không sẽ mất thị trường”, ông Kỳ nói.

Tin bài liên quan