Chặn biến tướng trong huy động, cho vay tiền mặt

Ví điện tử biến tướng thành kênh huy động hoặc cho vay vốn, thẻ tín dụng dùng để rút tiền, công ty tài chính chạy đua cho vay tiền mặt… Những biến tướng như vậy là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một loạt quy định mới về quản lý thẻ, trung gian thanh toán và cho vay tiêu dùng.
Với thủ tục dễ dàng, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đang tăng trưởng nóng. Ảnh: Đức Thanh

Với thủ tục dễ dàng, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đang tăng trưởng nóng. Ảnh: Đức Thanh

Đua cho vay bất biết mục đích sử dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng của một ngân hàng TMCP chia sẻ, sự tăng trưởng tín dụng của các công ty tài chính thời gian qua là quá nóng.

“Công ty tài chính rất nhanh nhạy trong phục vụ khách hàng, song dư nợ cho vay của khối công ty này bùng nổ quá nhanh, cho vay dễ dàng. Mục đích của cho vay tiêu dùng là phục vụ tiêu dùng, nhưng hiện nay, nhiều công ty tài chính cho vay không thẩm định mục đích sử dụng, nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân NHNN vừa ban hành quy định mới để “phanh” dần cho vay tiền mặt của khối công ty tài chính”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Hiện nay, xét về dư nợ, công ty tài chính cho vay tiền mặt lớn nhất là FE Credit (76% tổng dư nợ công ty này là cho vay tiền mặt). Tuy nhiên, về tỷ lệ, tại một số công ty mới thành lập, cho vay tiền mặt lên tới xấp xỉ 90% tổng dư nợ tín dụng. Nhiều “tân binh” tài chính tiêu dùng cho hay, các điểm bán hàng như xe máy, điện máy, siêu thị… đã bị các công ty lớn, gia nhập thị trường sớm nhanh chân ký kết, nên công ty tài chính mới chỉ còn cách cho vay tiền mặt.

Thực tế, không chỉ giải ngân tiền mặt trực tiếp, vài năm gần đây, các công ty tài chính tiêu dùng còn chạy đua phát hành thẻ tín dụng để đẩy mạnh cho vay qua thẻ.

Cho vay tiền mặt lớn và cơ chế cho vay khá “thoáng”, khiến nợ xấu của khối công ty tài chính tiêu dùng khá cao, dao động ở mức 5 - 8%/năm, trong đó 90% là nợ có khả năng mất vốn. Nhiều công ty tài chính áp dụng cách đòi nợ khủng bố, gây mất ổn định, an toàn xã hội.

Thực tế, không chỉ công ty tài chính tiêu dùng, mà thời gian qua, các ngân hàng cho vay qua thẻ cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không quản lý được khách hàng và đơn vị chấp nhận thẻ cấu kết với nhau để rút khống tiền.

Thậm chí, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, rất nhiều ngân hàng đang mời chào khách hàng rút tiền mặt qua thẻ (miễn lãi 45 ngày), sau đó chuyển đổi thành khoản vay trả góp kỳ hạn ngắn hoặc chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang tài khoản cá nhân để tiêu dùng (đương nhiên khách hàng phải trả lãi hằng tháng theo lãi suất thẻ tín dụng).

Đối với ví điện tử, thời gian gần đây, đã xuất hiện một số ví điện tử chưa được cấp phép, song lại rầm rộ huy động vốn trả lãi suất cao (như Payasean). Bên cạnh đó, hoạt động chuyển tiền của ví điện tử cũng bộc lộ nhiều kẽ hở.

Cân bằng quản lý rủi ro và phổ cập tài chính

Những kẽ hở liên quan đến hoạt động cho vay tiền mặt, ví điện tử và hoạt động phát hành, sử dụng thẻ là lý do khiến NHNN ban hành dồn dập hàng loạt quy định mới trong vài tháng qua.

Cụ thể, trong Thông tư 18/2019/TT-NHNN đối với hoạt động cho vay của công ty tài chính vừa ban hành, NHNN đã yêu cầu các công ty tài chính giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ tín dụng xuống 70% từ đầu năm 2021 và kéo giảm xuống 30% từ đầu năm 2024. Các công ty này cũng không được phép cho vay khách hàng đang có nợ xấu và không được đòi nợ kiểu đe dọa khách hàng.

Cho vay tiền mặt lớn và cơ chế cho vay khá “thoáng”, khiến nợ xấu của khối công ty tài chính tiêu dùng khá cao 

NHNN giải thích, thực trạng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính khi giải ngân trực tiếp cho khách vay thường rủi ro cao và khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy, tách bạch rõ hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng (thường là các đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa, bán hàng trả góp…) và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nhằm tạo cơ sở kiểm soát hoạt động này.

Với trung gian thanh toán, đặc biệt là ví điện tử, trong Thông tư 23/2019/TT-NHNN mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 7/1/2020), NHNN nghiêm cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận. NHNN cũng nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử. Ngoài ra, các tổ chức cung ứng ví điện tử cũng không được phép huy động hoặc cho vay qua ví.

Liên quan quản lý hoạt động thẻ, NHNN đang xây dựng Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 19/2016 /TT-NHNN (quy định về hoạt động thẻ ngân hàng) theo hướng siết hoạt động của thẻ ATM và thẻ tín dụng bao gồm cả thẻ do ngân hàng và công ty tài chính phát hành. Theo đó, thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với tổ chức phát hành thẻ. Chủ thẻ tín dụng sẽ không được chuyển khoản vào tài khoản thanh toán, thẻ trả trước.

Ngoài ra, NHNN cũng cấm các cá nhân, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện giao dịch gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống…

Việc siết lại quản lý để ngăn chặn các biến tướng phát sinh thời gian qua của NHNN là cần thiết. Dù vậy, với hoạt động cho vay của công ty tài chính tiêu dùng, nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, cơ quan quản lý phải cân bằng giữa quản lý rủi ro và phổ cập tài chính toàn diện, chống tín dụng đen.

Thực tế, đa phần người dân vẫn còn khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, nên vay qua công ty tài chính hay vay qua thẻ là một trong những cách để người dân có thể thoát tín dụng đen.

Việc đưa ra hạn mức cho vay tiền mặt với công ty tài chính vẫn là cách quản lý phần “ngọn”, thậm chí còn gây tác dụng phụ là khiến người dân khó khăn hơn khi tiếp cận tín dụng qua kênh chính thức. Nhẽ ra, NHNN cần siết từ “gốc”, nghĩa là đưa ra giới hạn tỷ lệ nợ xấu, hệ số an toàn rủi ro, siết lại quy trình thẩm định tín dụng và giám sát vốn sau giải ngân của các công ty tài chính…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Tin bài liên quan