Chặn dòng tiền dễ dãi vào, ra qua cổ phiếu phát hành mới

Chặn dòng tiền dễ dãi vào, ra qua cổ phiếu phát hành mới

(ĐTCK) Hơn 10 năm qua phát sinh nhiều vấn đề bất thường trong hoạt động chào bán chứng khoán huy động vốn trên TTCK. Đây là lý do khiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể quanh việc làm thế nào để xây dựng nền tảng pháp lý giám sát tốt hơn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán riêng lẻ cổ phiếu.

Những hiện tượng bất thường trong gọi vốn

Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến thị trường góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động phát hành của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thời gian qua đã lộ ra nhiều vấn đề bất thường.

“Có doanh nghiệp thị giá chỉ 1, 2 nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn chào bán riêng lẻ giá 10.000 đồng/cổ phiếu và hết thời gian hạn chế chuyển nhượng vẫn bán ra ngoài thị trường bất chấp bị lỗ, rồi sau đó doanh nghiệp lại phát hành tiếp. Đó là điều đặc biệt bất thường”, bà Phương nói.

Ngoài việc xuất hiện một số trường hợp dòng tiền dễ dãi bất thường, việc “lách luật” chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua chào bán riêng lẻ cũng đã từng xảy ra, vì điều kiện chào bán riêng lẻ hiện nay khá thông thoáng, hoàn toàn do quyết định của doanh nghiệp, với việc nhà quản lý chỉ là nhận báo cáo từ doanh nghiệp.

Phát hành riêng lẻ giá 10.000 đồng/CP, sau đó người mua sẵn sàng bán ra với giá 1.000 - 2.000 đồng/CP, rồi doanh nghiệp lại tiếp tục chu trình phát hành là rất bất thường

- Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCK

Theo bà Phương, quy định hiện tại với hoạt động chào bán riêng lẻ, UBCK chỉ kiểm soát về mặt đủ hồ sơ, thủ tục và giám sát việc công bố thông tin sau đó, chứ không cấp phép. Do đó, với việc sửa Luật Chứng khoán lần này, Ban soạn thảo chủ trương tăng cường giám sát hoạt động chào bán riêng lẻ, thông qua việc nâng cao tiêu chí nhà đầu tư được mua cổ phiếu. Các chủ thể tham gia mua cổ phần qua kênh này phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược.

Với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, có 2 điểm lớn mà Luật Chứng khoán sửa đổi nhắc đến đó là yêu cầu doanh nghiệp có lãi 2 năm liên tiếp, thay vì yêu cầu lãi năm liền trước và không có lỗ luỹ kế; và giới hạn số lần, quy mô một đợt phát hành (khoảng cách 2 đợt phát hành tối thiểu 1 năm và quy mô phát hành mới không quá quy mô vốn điều lệ).

Lãnh đạo UBCK chia sẻ, trong quá khứ, đã có doanh nghiệp tăng vốn điều lệ quá nhanh và quá nhiều so với vốn điều lệ trong một thời gian ngắn, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Việc phát hành là quyền tự chủ của doanh nghiệp, nhưng việc giới hạn về thời gian và quy mô vốn là để đảm bảo doanh nghiệp có thời gian thực hiện việc sử dụng/chứng minh việc sử dụng vốn huy động mới là có hiệu quả và cải thiện chất lượng quản trị để phù hợp với quy mô vốn mới.

“Theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp phải kiểm toán sử dụng vốn, nên quy định thời gian tối thiểu 1 năm giữa các đợt phát hành cũng là để nhà đầu tư có thêm công cụ giám sát chất lượng sử dụng vốn trước khi bỏ tiền tiếp vào doanh nghiệp”, bà Phương nhấn mạnh. 

Làm thế nào chặn dòng tiền dễ dãi nhưng không chặn cơ hội gọi vốn của Doanh nghiệp?

Đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo, ông Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBCK cho rằng, những đợt phát hành riêng lẻ giá 10.000 đồng/cổ phiếu vẫn có người mua, sau đó những “ông chủ” này sẵn sàng bán ra chỉ giá 1.000 - 2.000 đồng/cổ phiếu, rồi lại tiếp tục chu trình phát hành là rất bất thường.

Cơ quan quản lý nhận rõ điểm này, nhưng để chặn lại thì phải sửa quy định pháp lý. Lần sửa Luật Chứng khoán tới đây là cơ hội để tăng cường giám sát chất lượng hoạt động phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp đại chúng hiện hành.

Góp ý cho Ban soạn thảo, ông Vũ Bằng cho rằng, bên cạnh việc đưa ra các quy chuẩn giám sát mức độ phát hành, tần xuất phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp, phần về đối tượng mua cổ phần phát hành riêng lẻ cần cân nhắc thêm theo hướng nới lỏng hơn. Hiện tại, dự thảo quy định về điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là hơi chặt và có thể dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm bên mua cổ phần phát hành riêng lẻ.

Cùng quan điểm này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV trích dẫn một thống kê khá thú vị. Theo đó, chỉ có khoảng 3% số doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô vốn điều lệ trên 200 tỷ đồng (đến hết năm 2016). Theo đó, quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo Luật nên cân nhắc cho phù hợp với thực tiễn này.

“Các doanh nghiệp có nợ xấu mới thì không thể vay vốn ngân hàng. Quy định như dự thảo thì họ lại không được chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ thì khó về điều kiện. Như thế, một số doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị tắc đường huy động vốn”, ông Lực nhận xét.

Xây dựng nền tảng pháp lý mới chặn dòng tiền dễ dãi vào ra qua cổ phiếu của doanh nghiệp là việc cần thiết để góp phần giữ gìn sự liêm chính trên TTCK. Tuy nhiên, làm thế nào để chặn được tình trạng “bán giấy lấy tiền” mà không làm hạn chế cơ hội tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp yếu, muốn tái cấu trúc một cách nghiêm túc đang là bài toán chờ câu trả lời căn cơ hơn từ UBCK.