Châu Á bất ổn vì khủng hoảng năng lượng

Châu Á bất ổn vì khủng hoảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xăng dầu, khí đốt, điện trở nên khan hiếm và giá tăng vọt khiến nhiều nước châu Á đương đầu với những thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị.

Người dân Sri Lanka phải xếp hàng dài cả ki-lô-mét để mua xăng dầu. Ở Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa từ lúc 8h tối nhằm tiết kiệm điện. Tại Ấn Độ và Pakistan, tình trạng mất điện buộc trường học phải đóng cửa, cơ sở kinh doanh dừng hoạt động, người dân vật lộn với cái nóng. Đó chỉ là một số cảnh tượng dễ thấy đang diễn ra trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi nhiều quốc gia đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ.

Các nước đang phát triển, nơi phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá than đá tăng gấp 5 lần và giá khí đốt tự nhiên tăng gấp 10 lần so với năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến chi phí sinh hoạt tăng nhanh, cuộc sống và việc làm cũng như thu nhập bị ảnh hưởng có thể kéo theo tình trạng bất ổn về chính trị. Đơn cử, mới đây, sự tức giận của người dân Sri Lanka khi chính quyền nước này để đất nước vỡ nợ, kinh tế khủng hoảng, thiếu gas, xăng dầu, lương thực... đã dẫn đến làn sóng từ chức một loạt các bộ trưởng.

Hiện tại, cuộc sống hàng ngày của người dân Sri Lanka gần như đóng băng. Nhiều văn phòng công vụ, trường học đã đóng cửa được hơn 2 tuần. Nhân viên công vụ được yêu cầu nghỉ làm việc vào ngày thứ Sáu trong 3 tháng, kèm theo gợi ý rằng họ nên dùng thời gian được nghỉ đó để tự nuôi trồng lương thực.

Tương tự, Pakistan giảm số ngày làm việc trong tuần từ 6 xuống 5, dù mô hình làm việc 6 ngày/tuần mới được áp dụng trước đó nhằm thúc đẩy kinh tế. Tình trạng mất điện do thiếu khí đốt tự nhiên nhập khẩu phục vụ các nhà máy điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quốc gia 220 triệu dân này ít nhất một tháng qua.

Các trung tâm thương mại và nhà hàng ở thành phố Karachi được yêu cầu đóng cửa sớm nhằm tiết kiệm điện. Nguồn cung điện tại Pakistan hiện thấp hơn gần 5.000 megawatt so với nhu cầu - con số có thể cung ứng cho khoảng 2 - 5 triệu hộ gia đình.

Tại các quốc gia tương đối giàu có như Australia, ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng ít rõ ràng hơn, nhưng vẫn có thể gây ra nhiều hệ luỵ khi người tiêu dùng cảm thấy sức ép ngày càng lớn từ hóa đơn tiền điện. Giá điện trong quý I/2022 tại Australia đã tăng 141% so với cùng kỳ năm 2021.

Dưới áp lực của công chúng, không ít quốc gia có thể tìm cách quay lại sử dụng các dạng năng lượng rẻ hơn nhưng gây ô nhiễm nhiều hơn như than đá, bất chấp tác động đối với tình trạng biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, ở Australia, chính quyền bang New South Wales đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp để chuyển than đá từ các mỏ trong bang tới các nhà máy phát điện tại địa phương, thay vì ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Ủy ban An ninh năng lượng của Chính phủ liên bang đề xuất, tất cả các máy phát điện, gồm cả nhà máy đốt than, được trả tiền để duy trì thêm công suất trong lưới điện quốc gia nhằm giảm thiểu nguy cơ mất điện.

Tại Ấn Độ, những gì đang diễn ra là minh họa rõ ràng cho một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, chứ không còn ở cấp độ khu vực.

Tại Ấn Độ, những gì đang diễn ra là minh họa rõ ràng nhất cho một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, chứ không còn ở cấp độ khu vực. Tình trạng mất điện trên diện rộng trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục khiến Chính phủ Ấn Độ đưa ra quyết định nhập khẩu than trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Việc quốc gia 1,3 tỷ dân phụ thuộc vào than đá để phục vụ khoảng 70% điện năng quyết định nhập khẩu than khiến các chuyên gia lo ngại về những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường toàn cầu.

Thực tế, hầu hết các nước trên khắp các châu lục đều đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu dầu và khí đốt. Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang tăng cường mua than để đảm bảo cung cấp đủ điện. Bên cạnh đó, Đức, Italy, Pháp, Anh, Hà Lan, Áo chuẩn bị khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, đẩy mạnh sản xuất, hoặc duy trì hoạt động lâu hơn kế hoạch.

Nhu cầu than đá bùng nổ khiến loại nguyên liệu khi cháy thải ra nhiều khí CO2 này đe dọa các nỗ lực quốc tế trong mục tiêu giới hạn phát thải carbon nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu mà hơn 190 quốc gia đã nhất trí tại “Thỏa thuận Paris” năm 2015.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine được cho là nguyên nhân đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn về năng lượng. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có nguy cơ kéo dài nếu chiến sự Nga - Ukraine không sớm kết thúc và Mỹ, phương Tây không rút lại các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tin bài liên quan