Châu Âu miễn cưỡng trở lại than đá sau khi Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lưu lượng khí đốt của Nga sang châu Âu giảm và nỗi sợ hãi về sự gián đoạn nguồn cung đã khiến một số chính phủ châu Âu xem xét lại than đá, một trong những cách sản xuất năng lượng bẩn nhất và ô nhiễm nhất.
Châu Âu miễn cưỡng trở lại than đá sau khi Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến châu Âu trì hoãn việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, xem đây một chốt chặn cần thiết để giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa Đông.

Than là nhiên liệu hóa thạch tạo ra nhiều khí thải chứa carbon nhất và do đó là mục tiêu quan trọng nhất cần phải thay thế trong xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế.

Tuy nhiên, Đức, Ý, Áo và Hà Lan đều chỉ ra rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể được sử dụng để bù đắp cho nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt giảm công suất thông qua đường ống Nord Stream 1 chạy đến Đức dưới Biển Baltic, với lý do do công ty Siemens Energy của Đức trì hoãn trả lại thiết bị được bảo dưỡng ở Canada. Và không rõ khi nào dòng khí chảy qua đường ống Nord Stream 1 sẽ trở lại mức bình thường.

“Điều quan trọng bây giờ là họ đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp mới nào cũng chỉ là tạm thời và chúng ta đang trên con đường thoát khỏi hoàn toàn than ở châu Âu vào năm 2030”, Mahi Sideridou, Giám đốc điều hành tại Europe Beyond Coal cho biết.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã mô tả quyết định của chính phủ Đức về việc hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên và đốt nhiều than là một quyết định "cay đắng" nhưng cho biết đất nước phải làm mọi cách để tích trữ càng nhiều khí đốt càng tốt trước mùa đông.

Hôm thứ Hai (20/6), Hà Lan cho biết họ sẽ kích hoạt giai đoạn “cảnh báo sớm” về kế hoạch khủng hoảng năng lượng và dỡ bỏ giới hạn sản lượng tại các nhà máy nhiệt điện than để tăng bảo tồn lượng khí đốt.

Tương tự, Ý và Áo cũng đã báo cáo kế hoạch xem xét đốt thêm than để bù đắp nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh.

Phân bổ năng lượng trong mùa đông?

Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết, giải pháp ngắn hạn cho Đức và nhiều chính phủ châu Âu khác là tiếp cận bất kỳ dạng năng lượng nào mà họ có thể không phải của Nga và đáng buồn là điều đó bao gồm than đá”.

“Than cứng và than non là dạng than bẩn nhất, nhưng Đức có thể sẽ cố gắng tối đa hóa điều đó để tránh tình trạng thiếu khí đốt vào mùa Đông”, ông cho biết.

Ông Gloystein cho biết, các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể tránh được việc phân bổ năng lượng vào mùa Đông. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng "mọi thứ có thể trở nên thực sự tồi tệ" nếu khí đốt của Nga ngừng chảy khi trời đặc biệt lạnh.

“Trường hợp xấu nhất là phải phân bổ năng lượng. Điều đó có nghĩa là ở giai đoạn đầu, các ngành công nghiệp không thiết yếu được yêu cầu giảm tiêu thụ để đổi lại được bồi thường. Đó là kế hoạch mà chính phủ Đức đã công bố vào cuối tuần”, ông Gloystein cho biết.

“Bước tiếp theo sẽ là các ngành công nghiệp khác cũng như các hộ gia đình và yêu cầu họ tiêu thụ ít năng lượng hơn và đó là điều mà hầu hết mọi người ở châu Âu chưa từng trải qua. Điều đó có nghĩa vào mùa Đông, mọi người sẽ bị lạnh, ở một số khu vực, nếu đó là mùa Đông lạnh giá, một số người sẽ chết và điều đó thực sự độc hại về mặt chính trị và tất nhiên, đó là một tình huống tồi tệ”, ông nói thêm.

Các chính phủ châu Âu hiện đang cố gắng lấp đầy các kho chứa dưới lòng đất bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để cung cấp cho các hộ gia đình đủ nhiên liệu để bật đèn và sưởi ấm nhà cửa trong mùa Đông.

Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của khối trước sự phụ thuộc vào khoảng 40% lượng khí đốt qua các đường ống của Nga, nhằm giảm nhanh sự phụ thuộc vào các khí đốt của Nga.

Các biện pháp mới chỉ là tạm thời

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết, điều quan trọng là phải hiểu các khoảng thời gian mà châu Âu quyết định chuyển sang sử dụng than.

“Châu Âu đã không chuẩn bị trước cuộc khủng hoảng và cần có nhiều biện pháp để vượt qua mùa đông tới mà không có khí đốt của Nga. Đồng thời, EU đã ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng cách đẩy nhanh việc triển khai năng lượng sạch, có nghĩa là chúng tôi sẽ giảm việc xây dựng nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới nhanh hơn nhiều so với dự kiến ​​trước khi xảy ra khủng hoảng”, bà cho biết.

Bà Myllyvirta nói thêm rằng EU có phạm vi để làm nhiều hơn nữa trong việc giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn, đặc biệt là trong các tòa nhà và phương tiện giao thông. Nhưng điều quan trọng là không được quên thực tế là quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang được đẩy nhanh về cơ bản là do cuộc khủng hoảng.

EU cho biết họ muốn đẩy nhanh kế hoạch tăng cường sản xuất từ ​​các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió và mặt trời, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt sau xung đột của Nga và Ukraine.

Mahi Sideridou, giám đốc điều hành của Europe Beyond Coal cho biết: “Nhiều thập kỷ thất bại về chính sách năng lượng và cơ sở hạ tầng đã dẫn đến thời điểm chính phủ của chúng ta đang xem xét lại than đá, một loại nhiên liệu gây ra cái chết cho hàng triệu người cũng như thiệt hại về khí hậu không thể phục hồi”.

“Điều quan trọng bây giờ là họ đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp mới nào cũng chỉ là tạm thời và chúng tôi đang trên con đường thoát khỏi hoàn toàn than ở châu Âu vào năm 2030”, bà cho biết.

Bà Sideridou cho biết cần phải đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là các giải pháp lưu trữ năng lượng gió và năng lượng mặt trời thông qua các biện pháp hiệu quả và hơn thế nữa. “Đây là cách duy nhất mà chúng ta có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và khí hậu, đồng thời giúp mang lại hòa bình”, bà nói thêm.

Tin bài liên quan