Châu Âu thay đổi quan điểm về áp thuế đối với xe điện

Châu Âu thay đổi quan điểm về áp thuế đối với xe điện

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2024, đánh dấu sự thay đổi đáng kể quan điểm so với trước đó của EU.

Ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hoãn 3 năm việc áp thuế đối với hoạt động buôn bán xe điện giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2024, đánh dấu sự thay đổi đáng kể quan điểm so với trước đó của EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EC đề xuất gia hạn một lần duy nhất, theo đó việc áp thuế sẽ được thực hiện sau ngày 31/12/2026. Nội dung đề xuất có đoạn nêu rõ không được phép tiếp tục trì hoãn áp thuế sau tháng 12/2026. Đề xuất được đưa ra sau khi ngành công nghiệp ô tô EU bày tỏ lo ngại về chi phí khổng lồ sẽ phát sinh từ mức thuế 10% thời hậu Brexit.

Theo Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic, đề xuất này nhằm hỗ trợ khả năng cạnh tranh của ngành xe điện EU cũng như bảo vệ việc làm trong lĩnh vực này. Ông xác nhận việc gia hạn một lần này không thể lặp lại hay kéo dài. Theo ông Maros Sefcovic, quyết định này cũng đồng nghĩa rằng EU sẽ không áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt về thành phần, xuất xứ xe trong giai đoạn từ năm 2024 đến cuối năm 2026, giúp hoạt động xuất khẩu xe điện hai chiều EU-Anh tạm thời tránh được những tác động của biện pháp thuế quan từ ngày 1/1/2024.

Đề xuất của EC cần được các nước thành viên EU chấp thuận tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ tại Brussels vào tuần tới.

Ban đầu, EC phản đối mạnh mẽ việc gia hạn biện pháp áp thuế với xe điện Anh bất chấp nhiều lời kêu gọi từ ngành sản xuất ô tô, các nhà lập pháp EU và yêu cầu từ Chính phủ Anh. Ông Sefcovic cho biết việc EC thay đổi lập trường là cần thiết vì những tình huống không lường trước được khi thỏa thuận EU-Anh điều chỉnh quan hệ và thương mại thời hậu Brexit được ký kết vào năm 2020.

Anh chính thức rời EU vào tháng 1/2020. Sau đó, trong giai đoạn chuyển tiếp, hai bên đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do thời hậu Brexit, có hiệu lực vào năm 2021. Theo thỏa thuận, các biện pháp thuế quan sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024 đối với các phương tiện không đảm bảo tiêu chí là phải có ít nhất 45% phụ tùng xe và 50-60% thành phần pin do Anh hoặc EU sản xuất, theo "quy tắc xuất xứ".

Cùng với đề xuất trì hoãn áp thuế, EC đã công bố khoản tài trợ bổ sung lên tới 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) để thúc đẩy ngành sản xuất pin của EU. Ủy viên thương mại EU, Valdis Dombrovskis, cho biết đề xuất này "cung cấp khả năng dự phòng và sự ổn định rất cần thiết cho các nhà sản xuất ô tô và pin của EU tại thời điểm áp lực cạnh tranh toàn cầu khốc liệt".

Tin bài liên quan