Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có mức tăng trưởng âm trong năm 2015

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có mức tăng trưởng âm trong năm 2015

Chỉ 2% thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ bị kiểm tra

(ĐTCK) Nhập khẩu tới 116,8 tỷ USD thực phẩm trong năm 2015, nhưng Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ lựa chọn kiểm tra chất lượng 2% số chuyến hàng nhập khẩu vào thị trường nội địa. 

Đây là thông tin được ông David Lennarz - cựu chuyên gia kỹ thuật FDA - Phó giám đốc Registrar Corp đưa ra tại Hội thảo “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang Hoa Kỳ...” do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương tổ chức chiều 11/4.

Theo đại diện của Registrar Corp (đơn vị chuyên tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam), thay vì việc kiểm tra gắt gao các lô hàng, FDA kiểm soát rủi ro bằng những quy định chặt chẽ trong quá trình nhập khẩu thực phẩm.

Cụ thể, Luật Chống khủng bố sinh học của Mỹ có một số yêu cầu như các công ty thực phẩm phải đăng ký trước với FDA khi thực hiện xuất khẩu, chỉ định một đại diện tại Mỹ để làm điểm liên lạc, khai thông báo trước cho các chuyến hàng thực phẩm…  

Đối với hoạt động đăng ký, ông David Lennarz cho biết, chỉ các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm mới phải đăng ký với FDA (đơn vị xuất khẩu thuần túy không cần đăng ký).

Thống kê mới nhất vào tháng 1/2016, Trung Quốc là nước có nhiều cơ sở đăng ký tại Mỹ nhất với 26.743 cở sở, tiếp đến là Việt Nam (1.536 cơ sở) và Thái Lan (1.530 cơ sở).

Về việc khai thông báo trước, FDA yêu cầu thông báo trước cho tất cả các chuyến hàng (mặt hàng gì? bằng phương tiện nào? đơn vị xuất...) để xem xét quyết định kiểm tra.

“Tin tốt là FDA không kiểm tra tất cả các chuyến hàng đến Mỹ. Tỷ lệ kiểm tra của FDA chỉ là 2%. Lý do là vì khi nhận thông báo trước, FDA sẽ đánh giá phần lớn rủi ro của sản phẩm đó dựa trên các thông tin được cung cấp”, ông David Lennarz cho biết.

Cũng tại Hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định, ngành hàng thực phẩm đồ uống, nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện vẫn tăng trưởng thấp.

Theo ông Lang, một phần lý do là việc doanh nghiệp chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường này.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 3 vào thị trường Hoa Kỳ. Các mặt hành xuất khẩu chính hiện nay sang Hoa Kỳ vẫn là những mặt hàng truyền thống như  dệt may (35%), máy móc thiết bị và lĩnh kiện (25,4%), giày dép (13,5%), đồ gỗ nội thất (12%). 

Tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm đã phải chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ, cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước.

Tin bài liên quan