Chi phí bôi trơn giết chết doanh nghiệp

Chi phí bôi trơn giết chết doanh nghiệp

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) vừa có thông tin chính thức về chi tiết “doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định” cho những thủ tục hành chính và kiểm tra liên ngành mà Bộ Công thương quản lý.

Trên trang web của Bộ Công thương, vụ này đã viết: “Dù chỉ có 108 doanh nghiệp trên 3.061 doanh nghiệp được hỏi (3,5%) cho biết phải trả chi phí ngoài cho các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương, giảm đáng kể so với kết quả khảo sát chung về chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hải quan nêu tại Báo cáo năm 2015, nhưng đây vẫn là hiện tượng không thể chấp nhận và Bộ Công thương cần phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới”.

Với doanh nghiệp, đây là phản ứng rất tích cực từ một cơ quan quản lý nhà nước. Với công chức có liên quan, đây là lời cảnh báo nghiêm khắc vì như Vụ Khoa học và Công nghệ đã viết, Bộ đã có căn cứ quan trọng để xem xét.

Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn động thái này là tích cực, nhưng vẫn chưa đủ và không thể dừng lại ở một bộ, ngành. Vì cũng trong khảo sát mà Bộ Công thương viện dẫn, còn nhiều bộ, ngành cũng có tên, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ…

Nghĩa là, nếu không có sự ra tay đồng thời của các bộ, ngành thì sự nỗ lực của một vài cơ quan quản lý nhà nước không thể giúp chấm dứt những than phiền của doanh nghiệp về chi phí ngoài luồng.

Thực ra, yêu cầu này đã được quy định rất rõ trong Nghị quyết 139/NQ-CP Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp; xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Bên cạnh đó, công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử; trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử.

Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trực thuộc. Cần công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền.

Phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính diễn ra cùng ngày với công bố kết quả về chi phí ngoài quy định trên của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ nói: “Các đồng chí thử tính toán 1 container thông quan, nếu cần ‘bôi trơn’ 1 triệu đồng thì 1 năm mất hàng chục ngàn tỷ đồng. Chính những chi phí không chính thức này sẽ ‘giết chết’ doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn được, lý do cũng một phần do điều đó tạo ra cùng các khoản không chính thức khác”.

Đáng nói là, những doanh nghiệp có thể không lớn được, nhưng tìm được cách để tồn tại, sống tốt được trong môi trường này sẽ không thể là đại diện tiêu biểu cho một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh như chúng ta mong muốn.            

Tin bài liên quan