Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chìa khóa vạn năng mang tên công nghệ

Doanh nghiệp nào sở hữu nền tảng tốt về công nghệ sẽ có sức mạnh và lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ. Tuy nhiên, chìa khóa nằm ở việc nắm bắt cơ hội và tìm kiếm người giỏi để thực hiện.

Một ngày đầu tháng 11/2017, tại văn phòng của Bibo Mart, “nữ tướng” Trịnh Lan Phương tự tin ngồi giữa dàn sao công nghệ toàn nam giới để thông báo việc hệ thống cửa hàng mẹ và bé này gia nhập cộng đồng thẻ tích điểm đa năng Vpoint (VinaPhone).

Đến thời điểm đó, Bibo Mart là đại diện duy nhất trên thị trường bán lẻ sản phẩm phục vụ mẹ và bé tham gia cộng đồng này. Việc gia nhập Vpoint là bước đi mới của Công ty nhằm tạo sự khác biệt trong việc chăm sóc và mang đến những ưu đãi đặc biệt cho hơn 1 triệu khách hàng thân thiết.

Chìa khóa vạn năng mang tên công nghệ ảnh 1

“Trong 2 năm qua, Bibo Mart là công ty hiếm hoi ứng dụng công nghệ trên thị trường”, bà Phương tự tin vì đã quy tụ các chuyên gia công nghệ tốt nhất từ Thung lũng Silicon (Mỹ). Họ là người xây hệ thống kiến trúc công nghệ đồng bộ cho Taobao.com (Tập đoàn Alibaba), Amazon.com, hệ thống logistics cho Walmart, Tesco, Carter.

“Chúng tôi đang xây một thành phố, nên phải tìm chuyên gia giỏi nhất trên thế giới, những người đã từng xây một thành phố như vậy về công nghệ”, bà Phương nói.

Bà Phương cũng cho biết, Bibo Mart đã phải “trả học phí” cho việc cơi nới công nghệ trong những năm trước. Ngoài ra, bà Phương phải đầu tư mạnh vào công nghệ vì bà nhận thấy, cách bán hàng truyền thống đang đối mặt quá nhiều thách thức, khi hàng loạt công ty bán lẻ quần áo, thời trang, giày dép tại Mỹ đã bị phá sản trong năm 2017 trước sự phát triển lấn lướt của thương mại điện tử.

Ngay tại Việt Nam, nhờ có công nghệ hoàn hảo, các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc), 7 - Eleven (Nhật Bản) đã hoạt động khá trơn tru, trong khi doanh nghiệp trong nước rất vật vã.

Đặc biệt, nguy cơ thị trường bán lẻ điện máy bị “bóp nát” đang đến rất gần, khi Lazada trực tiếp phân phối các sản phẩm Apple chính hãng và nhà bán lẻ JD.com trở thành cổ đông lớn nhất của Tiki. Các tên tuổi còn lại trên thị trường cũng đang cuống cuồng rao bán.

Đầu tư vào công nghệ với các giải pháp thông minh đang được nhiều doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực áp dụng. Một số công ty bất động sản cũng đầu tư công nghệ để giúp khách hàng có thể trải nghiệm dự án ở bất kỳ đâu.

Để lấy được niềm tin của người mua, bên cạnh việc thực hiện chiến lược “xây xong mới bán”, không ít chủ đầu tư quyết định thuyết phục khách hàng của mình bằng những cách thông minh hơn.

Chẳng hạn, người mua có thể trải nghiệm không gian sống và quản lý toàn bộ thông tin về ngôi nhà tương lai của mình qua ứng dụng trên smartphone.

Sunshine Group, tập đoàn được biết đến với vị chủ tịch trẻ từng là chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin - ông Đỗ Anh Tuấn, đã mở đầu trong xu hướng này.

Vốn là người làm phần mềm chuyển sang bất động sản, ông Tuấn muốn tạo nên những dự án với những ngôi nhà thông minh, được điều khiển bằng smartphone.

Trong những khu đô thị của Sunshine, cư dân được tặng smartphone, trước hết để giám sát tiến độ xây dựng và chất lượng dự án.

Với hệ thống này, người dùng có thể sử dụng toàn bộ các tiện ích thông minh của căn nhà. Họ còn có thể trả tiền điện thoại, tiền điện, tiền nước, tiền học phí cho con… báo ban quản lý khi có sự cố và biết được khi nào được sửa chữa.

“Tôi muốn phát triển những căn nhà với bộ máy quản lý thông minh, so sánh được với các nước trên thế giới”, ông Tuấn nói. Hiện Sunshine đang phát triển ứng dụng Sunshine và thẻ cư dân thông minh. 

Chìa khóa vạn năng mang tên công nghệ ảnh 2

Trong khi đó, dù chậm hơn các ngành khác vì các quy định của luật pháp áp dụng riêng cho ngành, song phải thừa nhận rằng, ngành ngân hàng cũng chịu tác động rất lớn của công nghệ số. Thậm chí, công nghệ số đang thay đổi mô hình hoạt động của ngân hàng.

Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) không ngần ngại cho rằng, sớm hay muộn, công nghệ ngân hàng số sẽ chiếm lĩnh ở Việt Nam. Hiện các ngân hàng có thể ứng dụng để đăng ký khách hàng mới, chấm điểm tín nhiệm (CIC) thông qua các phân tích dữ liệu lớn từ các nguồn phi truyền thống như mạng xã hội.

“Chỉ cần để ý và sử dụng các dịch vụ tài chính điện tử, có thể thấy, người tiêu dùng luôn được hưởng lợi nhất”, ông Minh khẳng định.

2.

Khi kinh doanh “dính” đến công nghệ, người ta thường nghĩ là thời thượng, là mốt. Thực tế, vấn đề không nằm ở đó, bởi mỗi thời điểm sẽ có một mô hình kinh doanh nào đó xuất hiện và rất hiệu quả. Ví dụ, trong thời điểm hiện nay, đó là kinh tế chia sẻ, công nghệ và người tiêu dùng kết nối… mà 10 năm trước không ai có khái niệm về nó.

Mấu chốt để mô hình kinh doanh này trở thành hiện thực là nhờ sự giúp đỡ của công nghệ. Một minh chứng là Công ty Airbnb chuyên về phần mềm kết nối người cho thuê nhà và khách đi thuê.

Chỉ trong vòng 10 năm, Airbnb đã được định giá khoảng 25 tỷ USD, khiến ngành công nghiệp khách sạn truyền thống trên khắp toàn cầu phải “run sợ”.

Hay Uber, Grab dùng công nghệ để tận dụng thời gian rảnh của lái xe… Về bản chất, công nghệ không phải là sản phẩm trực tiếp của các công ty này, nhưng là nền tảng giúp họ thành công. Thế nên, ai có nền tảng tốt về công nghệ thì đương nhiên sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ.

Nhưng chìa khóa vạn năng nhất có lẽ vẫn là khả năng nhìn ra cơ hội, sau đó tìm người giỏi về giúp mình. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ nhiều khi quá sức tưởng tượng với cả những người rành công nghệ. Nhiều công ty lớn, có vị thế Top đầu trên thị trường và cứ nghĩ sẽ miễn nhiễm với mọi cơn bão, nhưng rồi lâm vào bế tắc, trở tay không kịp, bởi lợi thế của công nghệ là tăng trưởng với tốc độ nhanh khủng khiếp và không gì kìm hãm được.

“Doanh nghiệp Việt khó sống nổi nếu không đưa công nghệ, không chịu trọng dụng người giỏi. Bởi công nghệ luôn nắm bắt được mọi xu hướng, lại quá tiện lợi, khiến con người khó cưỡng lại. Chưa kể, trường hợp như Uber và Grab tốt hơn cho cả lái xe và người đi xe”, ông Trần Việt Hùng, sáng lập Gotit! chia sẻ.

Điều này hàm ý rằng, nếu doanh nghiệp Việt tích cực và quyết tâm sẽ cứu vãn được tình hình. Việc Taxi Mai Linh ra mắt dịch vụ “xe ôm công nghệ” vào tháng 11/2017 để cạnh tranh với UberMoto và GrabBike được cho là khá muộn. Thậm chí, Chủ tịch Grab Việt Nam còn tuyên bố rằng, đã “xong” trận đánh về thị phần.

Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi này so với bản thân Mai Linh có thể là tốt, nhưng với thị trường đã chậm một bước. Tuy nhiên, một số ý kiến lại lạc quan cho rằng, Mai Linh đưa ra sản phẩm tấn công vào thị trường xe ôm công nghệ là hành động rất thông minh.

Với cách này, Mai Linh vừa thử nghiệm hệ thống, mô hình, vừa có thêm một phân khúc khách hàng mới, cũng như tấn công trực tiếp vào đối thủ. Nếu muốn tồn tại, Mai Linh không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ.

Dù muộn còn hơn không. Điều sống còn là Mai Linh phải dựa trên lợi thế sẵn có của mình, chứ không nên bắt chước đối thủ bằng mọi giá.

3.

Công nghệ đã và đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội và hoạt động doanh nghiệp. Thậm chí, người ta có thể tạo ra robot để thay thế con người trong ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác.

Hiện robot đang giành được chỗ đứng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, khiến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không thể thờ ơ đứng nhìn.

Khó có thể biết được số tiền chính xác đầu tư cho công nghệ của các doanh nghiệp, song rõ ràng, họ đang có những phản ứng thông minh đối với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng ở châu Á thời gian tới.

Tin bài liên quan