“Chiến trường” 1.100 điểm

“Chiến trường” 1.100 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường xuất hiện những phiên đảo chiều liên tục, khiến nhiều nhà đầu tư mệt mỏi và một phần dòng tiền từ thị trường cơ sở đã chảy sang thị trường phái sinh.

Dòng tiền ưu tiên thị trường cổ phiếu Mỹ

Thị trường cổ phiếu Mỹ kết thúc tuần qua, trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, trong trạng thái tích cực. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngành công nghệ tăng giá mạnh.

Tại Trung Quốc, nỗ lực giải cứu 50 doanh nghiệp bất động sản chưa giúp chỉ số Shanghai Composite thực sự khởi sắc, nhưng thúc đẩy cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản hồi phục. Nước này có thể cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay ngắn hạn không có bảo đảm cho các nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện, một động lực lớn nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài sản đang kéo giảm tăng trưởng kinh tế.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index có vận động tích cực hơn trong những tuần gần đây, nhưng chưa đủ động lực để quay trở lại bên trong vòng Elip. Chỉ số có thể cần thêm thời gian để tích lũy và tìm kiếm dòng tiền mạnh mẽ hơn. Khối ngoại vẫn đang bán ròng là một điểm trừ, tạo nên tâm lý không tự tin với nhà đầu tư trong nước. Do đó, việc lấy lại niềm tin của khối ngoại là một trong những yếu tố quan trọng trên hành trình tìm sóng tăng điểm mới của VN-Index trong thời gian tới.

Trong khi đó, các loại tài sản an toàn không cạnh tranh thu hút được dòng tiền so với thị trường cổ phiếu Mỹ. Chẳng hạn, lợi suất trái phiếu kho bạc có diễn biến cao hơn, tức giá trái phiếu giảm. Giá dầu thô đi xuống trước thông tin OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp bị trì hoãn theo hình thức trực tuyến, thay vì trực tiếp, để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu. Sự chậm trễ và bất đồng giữa các thành viên về hạn ngạch đã đặt ra nghi ngờ về triển vọng cắt giảm sản lượng tiếp theo.

VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.100 điểm

Chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch trong khoảng giá 50 điểm, từ 1.080 - 1.130 điểm. Tình trạng này kéo dài suốt 3 tuần qua. Tuy nhiên, sau nhiều phiên lưỡng lự, thị trường bắt đầu xuất hiện những phiên đảo chiều lên xuống liên tục.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang phản ứng tích cực tại ngưỡng hỗ trợ 1.080 điểm. Mặc dù vậy, chưa có cơ sở chắc chắn để nhận định chỉ số đã kết thúc nhịp điều chỉnh và hoàn thành đáy ngắn hạn thứ hai. Hiện tại, VN-Index chưa thoát khỏi vùng giá này để hình thành một xu hướng rõ ràng, cho dù là xu hướng tăng hay giảm.

Với giao dịch giằng co kéo dài, nhà đầu tư nên thận trọng, vì VN-Index đi xuống vẫn là một trong các kịch bản có thể xảy ra. Đồ thị cho thấy, dù có nhịp phục hồi kể từ đầu tháng 11, VN-Index vẫn nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn 3 tháng nay và chỉ số trong tuần qua được giao dịch dưới đường MA200.

Nhìn rộng hơn, so với đầu năm 2023, VN-Index đã đánh mất toàn bộ thành quả tích lũy khi cuối tháng 10 giảm xuống dưới 1.030 điểm. Trong gần 1 tháng qua, có những thời điểm VN-Index cố gắng lấy lại được 50% những gì đã mất. Nhưng hiện tại, giá liên tục dao động quanh mức Fibonacci 61,8%, tương đương ngưỡng 1.090 điểm. Có nghĩa là, VN-Index đã để mất 2/3 thành quả từ mức đỉnh ngắn hạn hơn 1.245 điểm ngày 6/9. Mức điểm nhạy cảm này có thể được coi là ngưỡng xem xét cho sự phục hồi và tham gia thị trường, nhưng khi kết hợp nhiều mảnh ghép bao gồm xu hướng 3 tháng qua, tình trạng 1 năm qua, tương quan giá và MA200, diễn biến giá những tuần gần đây lại cho ra một bức tranh kém tích cực, thể hiện thị trường có khả năng sẽ thiên về hướng đi xuống hơn là đi lên.

Kèm với đó, các biểu đồ kỹ thuật đã không xác nhận cho kỳ vọng về nhịp tăng. Đường MACD dù đã cắt qua đường Signal và hướng lên, nhưng chưa thể cắt lên trên đường 0. Đồng thời, khi xem xét kỹ hơn, có thể thấy Historgram của MACD đang giảm, thể hiện sức mạnh giá yếu dần. Nhìn sang RSI, chỉ số này tục ghi nhận quanh ngưỡng 40, tương đồng với giao dịch giằng co từ đầu tháng 11. Với mức điểm 40, RSI chưa thể đưa ra xác nhận cho một chu trình tăng mới. Bên bán dường như thể hiện sự dứt khoát hơn khi khối lượng luôn ở mức cao trong những phiên giảm giá mạnh.

Các chỉ báo tâm lý thị trường thể hiện đà lan tỏa đã cắt mạnh xuống MA10, trong bối cảnh thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn có sự trồi sụt, thể hiện tâm lý nhà đầu tư bắt đầu mệt mỏi khi liên tục giải ngân nhưng lại không thu được lợi nhuận ngắn hạn.

Một phần dòng tiền từ thị trường cơ sở đã chảy sang thị trường phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận, dẫn tới thanh khoản tăng mạnh và lượng hợp đồng mở (OI) phiên cuối tuần tăng lên trên 53.000.

Kết hợp các yếu tố, VN-Index chưa thể hiện được động lực tăng mạnh để xác nhận một sóng tăng dài hạn. Do đó, các nhà đầu tư cần giữ tâm lý thận trọng hơn nữa. Kiên nhẫn, kỷ luật chính là mấu chốt của thành công. Các vị thế mua mới nên tập trung ở nhóm cổ phiếu có sức bật và nền giá ngắn hạn chặt chẽ trong các nhịp điều chỉnh, rung lắc của thị trường. Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội để tái cấu trúc danh mục trong các phiên hồi phục và cân nhắc tái đầu tư sang nhóm cổ phiếu dẫn sóng, có động lực để bật tăng ngay khi thị trường xác nhận kết thúc quá trình tạo đáy ngắn hạn.

Tin bài liên quan