GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Diễn đàn sáng 19/7 (Ảnh: M.Minh)

GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Diễn đàn sáng 19/7 (Ảnh: M.Minh)

"Chính sách tài khóa nên hướng nhiều hơn vào giảm lãi suất"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để vực dậy nền kinh tế hiện nay, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng nên hỗ trợ cầu tiêu dùng kết hợp với chính sách tài khóa hướng nhiều hơn vào giảm lãi suất.

Sáng nay (19/7), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”.

Bên lề Diễn đàn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán một số nhận định và kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm với nhiều chỉ số kém lạc quan về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông bình luận thế nào về điều này?

Như chúng ta đã biết, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đều trong tình trạng bị sụt giảm. Điều này là do tác động bởi sự thu hẹp thị trường nhập khẩu của toàn thế giới, từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Do gặp khó khăn trong xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu là đầu vào cho hàng xuất khẩu cũng bị giảm sút, từ đó sản lượng nhập khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Mặc dù thặng dư về thương mại vẫn dương, nghiêng về xuất khẩu nhưng có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu đều đang giảm sút, phản ánh việc tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn.

Chỉ có một số doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm ngành nông sản, thực phẩm... là còn duy trì được sự ổn định.

Mặt khác, không chỉ riêng với lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất khác cũng bị đình trệ do thị trường bị thu hẹp.

Như vậy khó khăn lớn nhất hiện nay là cầu tiêu dùng?

Chúng ta nhìn thấy có 4 yếu tố cầu để tạo nên thị trường của các doanh nghiệp, thì cầu lớn nhất là cầu thị trường quốc tế đang bị thu hẹp.

Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất xuất khẩu… mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các ngành khác có yếu tố liên quan, như quan hệ liên kết, các quan hệ cung ứng đầu vào cho các ngành.

Bên cạnh đó, do doanh nghiệp bị đình trệ nên thu nhập của người lao động bị sụt giảm, nhiều lao động bị sa thải, khiến cầu tiêu dùng cá nhân không phát triển, từ đó dẫn đến cầu trong nước bị thu hẹp rất mạnh.

Trong bối cảnh thị trường không tiêu thụ được, hiệu quả kinh doanh thấp cho nên phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển chậm lại, thậm chí phá sản, đóng cửa, rút khỏi thị trường; trong khi đó, doanh nghiệp tham gia mới hoặc quay trở lại thị trường lại có xu hướng giảm đi, cầu doanh nghiệp giảm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong 6 tháng liên tiếp thấp dưới mức trung tính 50 điểm. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa nhìn thấy thị trường của các doanh nghiệp trong tương lai.

Chỉ còn một phần duy nhất đang tăng trưởng là cầu đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công cũng chưa đạt kỳ vọng, chưa thực sự có sự “bứt phá” mặc dù cơ hội đầu tư công nhiều hơn so với các năm trước.

Đầu tư công chúng ta mới chỉ hướng đến hạ tầng. Yếu tố này có tác động dài hạn đến nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, tạo tác động lan toả... nhưng không phải thay đổi mang tính đột biến.

Doanh nghiệp vẫn phản ánh nhiều về những khó khăn trong tiếp cận vốn vay, ông nhìn nhận ra sao về những khó khăn này?

Trong các chính sách công hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, bên cạnh một số chính sách phát huy tác dụng thì vẫn còn một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất. Trong khi gặp những khó khăn bên ngoài mà không được hỗ trợ về nguồn lực, nhiều doanh nghiệp càng khó khăn nhiều hơn.

Ông có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2023?

Thứ nhất, phải tăng tổng cầu. Như tôi đã phân tích, có 4 yếu tố liên quan đến cầu, thì yếu tố cầu trong nước chúng ta có thể chủ động thông qua các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đơn cử như chính sách giảm thuế VAT đang áp dụng cần kéo dài hơn không chỉ dừng lại trong năm 2023.

Cầu đầu tư công Chính phủ cần được khơi thông và đẩy mạnh. Ngoài ra, cần tăng cầu Chính phủ thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khoá cho doanh nghiệp. Ví dụ, miễn, giảm, hoãn các khoản đóng góp, tăng các khoản hỗ trợ lãi suất.

Thứ hai, cần nghiên cứu giảm các khoản đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào các quỹ, như bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn… để các doanh nghiệp giảm bớt phần phải đóng góp, người lao động sẽ có thêm một phần thu nhập để tăng cầu tiêu dùng.

Thứ ba, mấu chốt quan trọng nhất là hỗ trợ cầu cho tiêu dùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phục hồi, phát triển thông qua hỗ trợ nguồn vốn với giá ưu đãi, bên cạnh các chính sách lãi suất của ngân hàng có thể điều chỉnh tiếp tục giảm, Chính phủ cũng cần hỗ trợ lãi suất, thêm các cầu của Chính phủ cho doanh nghiệp, như các đơn đặt hàng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi.

Ngân hàng có còn dư địa giảm lãi suất cho đối tượng ưu tiên?

Trước đó, khi phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu thực trạng, lạm phát hiện tại khoảng 3,5%; nếu doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất 8,5 - 10%/năm hiện nay thì liệu có đạt được lợi nhuận đủ để để bù đắp lạm phát và chi trả chi phí vốn hay không?

GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại Diễn đàn sáng 19/7 (Ảnh: M.M)

GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại Diễn đàn sáng 19/7 (Ảnh: M.M)

Từ đó, ông Cường đặt câu hỏi: "Liệu ngân hàng có còn dư địa giảm lãi suất cho đối tượng thực sự ưu tiên?"

Về khía cạnh Chính phủ, vị chuyên gia khuyến nghị chính sách tài khóa cần tác động mạnh hơn vào hỗ trợ lãi suất để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

"Chính sách phục hồi bỏ ra 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất thì có thể kỳ vọng 2 triệu tỷ đồng đến với doanh nghiệp, nguồn lực này có sức mạnh rất lớn", ông Cường nói.

Nêu thêm giải pháp, ông Cường cho rằng bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình, theo hai hướng: Tái cấu trúc (đây vừa là sức ép vừa là cơ hội sử dụng công nghệ mới quy trình mới, điều mà bình thường rất khó thực hiện) và đẩy mạnh liên doanh liên kết để tạo thêm sức mạnh.

Cuối cùng, vị đại biểu băn khoăn, liệu nền kinh tế đã đủ độc lập tự chủ chưa? "Khi kinh tế toàn cầu sa sút không chỉ ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp FDI mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế", ông Cường nói và nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ phát triển những doanh nghiệp lớn để làm trụ cột cho nền kinh tế chống đỡ giai đoạn khó khăn.

Tin bài liên quan