Bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu đang tác động đến Việt Nam.

Bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu đang tác động đến Việt Nam.

Chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận xét của bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam. 

Bà đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19?

Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Chính sách tiền tệ linh hoạt và các chính sách tài khóa, kinh tế vĩ mô khác đang giúp ổn định nền kinh tế và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt đã hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được triển khai, bao gồm gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp và hợp tác xã vay vốn.

Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thận trọng và linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô. Các chương trình quốc gia tập trung vào tăng trưởng cao, công nghệ cao, thu nhập cao và không phát thải sẽ góp phần đảm bảo triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ bên ngoài. Bà nhận định thế nào về triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm nay?

bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam.

bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ 7,2% xuống 6,5%, trước bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu đang tác động đến Việt Nam. Điều này được chứng minh qua các số liệu khiêm tốn của quý I.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có tiềm năng trong trung hạn nhờ chính sách cởi mở và sự ổn định của quốc gia cũng như các chính sách nhất quán và dài hạn của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các khoản đầu tư nước ngoài.

Với các nền tảng cơ bản duy trì vững mạnh, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chính sách đầu tư hấp dẫn, cơ cấu dân số và vị trí địa lý thuận lợi tiếp tục giúp Việt Nam trở thành thị trường “Trung Quốc+1” được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp lựa chọn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế và sẽ tiếp tục đảm nhiệm giải quyết bài toán thách thức khi cân bằng giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo lãi suất ổn định và giảm áp lực lên VND.

Từ đầu năm 2023, NHNN đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được nhận định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam. Theo bà, để tăng cường thu hút nguồn vốn này, Việt Nam cần cải thiện những điều gì?

Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trung tâm khu vực và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế. Điều này đã thúc đẩy các chính sách đầu tư của Việt Nam nhằm khuyến khích đầu tư vào trong nước.

Tôi muốn nhấn mạnh một số điểm chính: Thứ nhất, Việt Nam có cơ cấu dân số thuận lợi, với lực lượng lao động trẻ dồi dào và có trình độ học vấn, chi phí nhân công thấp, nên việc tiếp tục trau dồi học tập là rất quan trọng.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam tiến bộ và cởi mở, quyết tâm phát triển thương mại và tăng trưởng bền vững, nên xem xét các tiêu chuẩn toàn cầu và đảm bảo luật pháp, quy định và mô hình quản trị của Việt Nam cũng cởi mở và minh bạch để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Thứ ba, chúng ta cần củng cố và tối ưu hóa các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã thực thi, vì điều này sẽ khuyến khích và hỗ trợ việc tiếp tục hội nhập với thương mại toàn cầu và các chuỗi cung ứng hiện đại. Cuối cùng, không nên xem nhẹ sự ổn định chính trị và chính sách, bởi đó là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư trên thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các cam kết của Việt Nam tại COP26 là phát thải ròng bằng 0 sẽ thu hút các khoản đầu tư vào đất nước cũng như góp phần tăng cường sản phẩm của chúng ta nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Hơn nữa, đối với các nhà đầu tư, khi nhìn vào tiềm năng thị trường Việt Nam thì đây là đất nước với 100 triệu dân và là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Do vậy, phân khúc thu nhập cao và mới nổi đang tăng lên nhanh chóng là yếu tố giúp cho thị trường trong nước trở thành một thị trường rất hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng doanh thu.

Tin bài liên quan