Chính sách tốt để mở lối kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Khi bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa “vẽ nên được màu sáng”, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về tăng trưởng trong năm 2023.

Chính phủ mới đây công bố vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào nền kinh tế năm 2023 hơn 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Đó chỉ là điều kiện cần cho nền kinh tế Việt Nam, còn điều kiện đủ phải là một hệ sinh thái các chính sách đúng đắn và mang tính chất kiến tạo.

Những điểm sáng về chính sách

LS. Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group

LS. Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group

Trong hơn một thập kỷ qua, với hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư về năng lượng, hạ tầng giao thông, tính dụng linh hoạt…, đặc biệt là chính sách tự do hóa thương mại, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến đầu tư, kinh doanh. Việt Nam vẫn là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện và sự năng động của Chính phủ trong việc tương tác với các nhà đầu tư.

Chính phủ đã và đang trao quyền nhiều hơn cho các địa phương bằng cơ chế tự chủ trong thu hút và tạo môi trường đầu tư tốt. Nhìn vào biến động của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, có thể thấy được nỗ lực của chính quyền các tỉnh trong việc thu hút đầu tư và tạo môi trường kinh doanh tại địa phương. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia cam kết và hợp tác chiến lược với các địa phương cấp tỉnh và tất nhiên, Chính phủ ủng hộ điều đó.

Thị trường vốn và tài chính, đặc biệt là chứng khoán và trái phiếu, đã chịu nhiều biến động tiêu cực thời gian qua. Nguyên nhân một phần do lỗ hổng từ cơ chế tạo môi trường cho các sai phạm kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng từ đây, nhà làm luật có thời gian và “dữ liệu” để điều chỉnh chính sách và chế tài trong các lĩnh vực liên quan. Điều này song hành với việc Việt Nam quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường vốn và bắt đầu có cơ chế cụ thể để bảo vệ nhà đầu tư. Từ đó, không khó để hy vọng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Có lẽ, điểm sáng lớn nhất là tính minh bạch trong chính sách kinh doanh và thực thi đang được cải thiện qua từng năm, từng nhiệm kỳ Chính phủ. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra song hành cùng sự phát triển của thế giới công nghệ không cho phép quốc gia nào lạc hậu trong chính sách kinh doanh.

“Nén càng mạnh, bật càng cao”

Nếu vào các trung tâm thương mại tại TP.HCM hay Hà Nội, bạn sẽ nhận thấy, người dân đang tiêu dùng mạnh hơn sau đại dịch. Họ ra đường nhiều hơn, nhưng việc chi tiêu được kiểm soát. Tương tự, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam (đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa và start-up) lâm vào tình trạng khó khăn chung hiện nay. Doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc và thay đổi liên tục để thích ứng. Giới doanh nhân muốn đầu tư mạnh, nhưng cũng quan sát rất kỹ.

Doanh nhân, doanh nghiệp đang phải áp dụng “Thuyết bán kem” trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, bán kem nhất định phải bắt đầu bán vào mùa Đông, vừa kích thích sự tò mò về khẩu vị ăn kem vào mùa Đông, vừa phải nỗ lực chinh phục khách hàng khó tính trong tình trạng phải giảm chi phí để cải thiện dịch vụ và tối ưu tỷ suất sinh lời. Nếu việc bán kem tồn tại được qua mùa Đông, thì sẽ không sợ không có sức cạnh tranh. Hiện là thời điểm doanh nhân Việt chấp nhận thách thức, họ cần vượt qua “mùa Đông lạnh giá” để tạo “sức đề kháng” cho doanh nghiệp và đó cũng là “sức đề kháng” cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn bước ngoặt này.

Thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam cuối năm 2022 có thể được xem là đáy. Giới đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư quốc tế, xem đó là cơ hội khi họ nhìn vào biểu đồ hình sin của nền kinh tế. Ở góc nhìn đó, hãy tự hỏi, chúng ta đã chuẩn bị gì khi mũi tên trong đồ thị hình sin đi lên theo chiều thẳng đứng?

Tiếp tục điểm nhấn “tự do thương mại”

Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam hiện nay đã cụ thể, rõ ràng hơn nhiều. Đó là do Việt Nam không chỉ tuân thủ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương một cách nghiêm túc, mà sự nghiêm túc này còn là nỗ lực của cả hệ thống chính trị để hỗ trợ hoạt động giao thương. Sự năng động, tích cực của phòng thương mại và công nghiệp các nước với vai trò trung gian được Chính phủ lắng nghe để chỉ đạo bộ, ban, ngành thực thi theo đúng các cam kết.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay được giới phân tích đánh giá rất thân thiện với các nhà đầu tư. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các quốc gia, giữa các tập đoàn và địa phương, tăng cường hoạt động mở cửa đón giao thương hậu Covid-19. Các hoạt động này đừng để doanh nhân - doanh nghiệp “tự bơi”, mà phải có sự chung sức của các bên.

Thương mại điện tử (e-commerce) đang là chìa khóa mở cánh cửa kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm đa số tại Việt Nam. Dù vậy, các nhà làm luật và Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hoạt động thương mại điện tử đa quốc gia được phát triển đúng xu hướng. Tương lai của tự do hóa thương mại, e-commerce sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Chính sách và thực thi chính sách về kinh doanh

Chính phủ cần rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan đến tự do hóa thương mại và thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực chiến lược và giao địa phương quản lý.

Hiện có nhiều dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến để điều chỉnh, sửa đổi. Từ việc sửa đổi điều luật đến thực thi có độ trễ nhất định, nhưng đây là công việc quan trọng bậc nhất để Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ để kiến tạo môi trường kinh doanh tốt.

Thứ nhất, Việt Nam cần có chính sách tín dụng và kế hoạch nhất quán về quản lý thị trường vốn. Chính sách này cần có tầm nhìn trung hạn và dài hạn, chứ không chỉ giải quyết nhu cầu, thách thức trước mắt. Nếu không có chính sách đúng về tín dụng ngân hàng, chúng ta sẽ bị mất thế cạnh tranh.

Thứ hai, Chính phủ cần rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan đến tự do hóa thương mại và thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực chiến lược và giao địa phương quản lý.

Thứ ba, Chính phủ và các bộ, ban, ngành nhanh chóng điều chỉnh chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh trực tiếp, bằng chính sách miễn giảm hoặc giãn thời hạn nộp thuế. Việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp không khó khi xác định ưu đãi dựa trên tiền thuế đóng góp vào ngân sách và nhóm ngành kinh doanh cần ưu đãi.

Thứ tư, cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa áp dụng chế tài đối với vi phạm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Việc xử lý vi phạm và áp dụng chế tài cần thay đổi cho cách làm hiện nay, phải hướng đến mục tiêu kinh tế (thu hồi khoản thất thu hoặc bồi thường), thay vì hạn chế quyền công dân của người vi phạm.

Tóm lại, bức tranh tươi sáng về nền kinh tế không thể dựa vào các nhận định tích cực hay các kế hoạch công bố. Đó phải là các hành động quyết liệt từ Chính phủ và các địa phương, phải lắng nghe và tạo mọi điều kiện có thể để kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, minh bạch và hợp pháp. Cần nhìn nhận thực tế rằng, chính sách tốt phải là chính sách mang tính kiến tạo và phụng sự, chứ không phải để lấp đầy các khoảng trống của hệ thống tư pháp. Chính phủ cần gia tăng tính cạnh tranh để giữ chân nhà đầu tư hiện hữu, thu hút nhà đầu tư mới bằng thế mạnh chính sách.

Tin bài liên quan