Cho thuê tài chính bứt phá

Cho thuê tài chính bứt phá

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động cho thuê tài chính (CTTC), một số ngân hàng thương mại cũng rục rịch thành lập thêm công ty CTTC để đa dạng hóa dịch vụ tới khách hàng, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang ráo riết tìm kiếm nguồn tín dụng chi phí thấp… Thị trường CTTC được các chuyên gia trong ngành đánh giá sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

CTTC là loại hình tổ chức tín dụng mới ra đời (xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1998), nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu là tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trang bị tài sản cố định (tài trợ vốn mua sắm thiết bị). CTTC được sử dụng khi các hình thức huy động vốn khác như qua TTCK hay vay nợ tỏ ra không hiệu quả. Việc huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu sẽ gây hiệu ứng pha loãng làm giảm thị giá cổ phiếu, trong khi vay nợ làm giảm hạn mức tín dụng, điều kiện vay phức tạp, ngoài ra vay nợ còn làm tăng nguy cơ phá sản của DN.

Khi DN thực hiện thuê tài chính, tiền thuê bao gồm lãi được thanh toán linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính sử dụng dòng tiền. Trong trường hợp đã mua tài sản nhưng thiếu vốn lưu động, DN có thể bán tài sản đã thuê và tiến hành thuê lại. Trong hầu hết trường hợp người đi thuê không phải thế chấp, tiết kiệm thời gian, chi phí do phần lớn thủ tục mua tài sản như đăng ký quyền sở hữu, mua bảo hiểm đều do bên cho thuê thực hiện. Những yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động này là bên thuê phải đảm bảo các khoản thanh toán định kỳ, đủ để người cho thuê bù đắp toàn bộ chi phí và kinh doanh có lãi. Người đi thuê cũng phải chịu toàn bộ chi phí bảo hiểm, bảo trì và thuế, hợp đồng CTTC cũng không thể huỷ ngang, nếu vi phạm sẽ bị phạt.

Với những quy định như vậy, ở nước ngoài, CTTC rất phát triển. Sản phẩm cho thuê thường do công ty mẹ trực tiếp sản xuất hoặc hợp tác chiến lược với các công ty với mức giá ưu đãi, chi phí vận hành hiệu quả. Chính điều này làm sản phẩm cuối cùng đến với người đi thuê có hiệu quả hơn so với DN đi vay và tự mua tài sản.

Tại Việt Nam, từ năm 1998 đến nay, đã có 12 CTCT hoạt động song có quy mô rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đầy 2% trong tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, phần lớn công ty CTTC hoạt động chưa hiệu quả do vốn điều lệ thấp, nguồn huy động chủ yếu từ ngân hàng mẹ, đối tượng khách hàng nhắm đến chủ yếu là DN vừa và nhỏ, ngoài ra các khoản CTTC chưa đa dạng nên không hấp dẫn người đi thuê.

 

Đổi mới

Việc Chính phủ ưu tiên và tạo nhiều cơ chế thuận lợi cho DN dân doanh phát triển trong thời gian tới, với tốc độ thành lập mới 50.000 DN/năm sẽ tạo cơ hội vàng cho các công ty CTTC phục vụ, tiềm năng thị trường này được dự báo sẽ rất sôi động.

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2007 - 2010, Ngân hàng đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động CTTC nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn. Theo đó, dư nợ CTTC đối với khối DN này sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2010. Ra đời sau, nhưng SacombankLeasing cũng chủ động tìm kiếm khách hàng với các hợp đồng tài trợ DN mua sắm trang thiết bị tới hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, Công ty đã tìm kiếm được nguồn tín dụng trị giá 8 triệu USD của một đối tác Hà Lan với thời hạn vay tối đa là 5 năm, lãi suất ưu đãi để tài trợ lại cho các dự án trong nước. Không chỉ nhắm đến DN vừa và nhỏ, các công ty CTTC cũng đang hướng đến việc hợp tác để tham gia tài trợ cho các dự án lớn.

Tuy chưa trở thành kênh huy động vốn phổ biến với các DN Việt Nam, nhưng một số ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu đang rốt ráo xin thành lập công ty CTTC, tuyển dụng nhân sự để đón đầu cơ hội thị trường phát triển mạnh.

Ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội CTTC Việt Nam cho biết, tiềm năng thị trường CTTC là rất lớn, bởi hiện nay nhu cầu đầu tư mua sắm trang thiết bị của các DN có quy mô lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần so với cách đây một vài năm. Khi thị trường tài chính phát triển, CTTC cũng sẽ được DN lựa chọn bởi đây là hình thức tài trợ vốn trung và dài hạn, khác với vốn vay ngân hàng thường là ngắn hạn. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý áp dụng với hoạt động này đang dần được hoàn thiện như quy định thuế đối với hình thức mua và cho thuê lại, quy định về mua bán tài sản đã qua sử dụng... Bản thân các công ty CTTC Việt Nam cũng đang phải nỗ lực làm mới nếu muốn tồn tại bởi theo cam kết gia nhập WTO, các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ được tham gia liên doanh trong các công ty CTTC hoặc thành lập 100% vốn trực thuộc. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ mở cửa hoàn toàn lĩnh vực này sau năm 2010.