Cho vay hàng tồn kho luân chuyển, một ngân hàng bị chiếm đoạt 79 tỷ đồng

(ĐTCK) Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Đỗ Xuân Hai cùng 11 bị can khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Theo cáo buộc, Đỗ Xuân Hai, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hiếu và các bị can khác đã thực hiện hành vi lập khống các tài liệu, chứng từ thể hiện có đủ số lượng hàng hóa là ngô, sắn để lập hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo vay tiền tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) – chi nhánh Nguyễn Huệ.

Thông qua hành vi này, Đỗ Xuân Hai đã chiếm đoạt của VIB số tiền hơn 79 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Đức Hiếu thành lập năm 2003, hoạt động chủ yếu là mua bán, chế biến nông sản với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó bị can Đỗ Xuân Hải góp 19,4 tỷ đồng (tương ứng với 97%).

Quá trình hoạt động, Công ty Đức HIếu có quan hệ vay vốn với VIB và được cấp hạn mức tín dụng 115 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho, với giá trị hàng tồn kho bằng 167% dư nợ, tỷ lệ cho vay là 60% và cộng thêm 5 bất động sản. Kho hàng được bàn giao cho CTCP Dịch vụ Bảo vệ chuyên nghiệp 135 theo hợp đồng bảo vệ 3 bên gồm ngân hàng, doanh nghiệp và đơn vị bảo vệ.

Thực chất, Đỗ Xuân Hai đã chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu chứng từ hàng hóa thế chấp thể hiện trên biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hóa và lập khống chứng từ chứng minh việc mua hàng hóa gồm hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT, Phiếu nhập kho... để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền của ngân hàng.

Đến tháng 5/2012, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản AMC của VIB cùng với đại diện Công ty Đức Hiếu tiến hành kiểm kê kho hàng xác định trong kho chỉ còn 3.036 tấn ngô, sắn, thiếu so với biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản trước đó là 24.004 tấn ngô.

Tại cơ quan điều tra, bị can Đỗ Xuân Hai thừa nhận rút tiền của VIB để trả nợ và chi tiêu cá nhân. Thực tế, Công ty Đức Hiếu có kinh doanh mặt hàng ngô, sắn nhưng chỉ có lượng hàng nhỏ, mua lẻ từ các cá nhân. Thời điểm hàng hóa nhiều nhất chỉ khoảng 5.000 tấn. Việc thuê Công ty bảo vệ 135 chỉ là hình thức để hoàn thiện thủ tục tín dụng.

Công ty Bảo vệ 135 không thực hiện công tác bảo vệ, không theo dõi việc xuất, nhập hàng trong kho. Các biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp 3 bên đều được lập khống để hoàn thiện hồ sơ tín dụng, hồ sơ giải ngân.

Số tiền VIB giải ngân, Đỗ Xuân Hai sử dụng để trả nợ cũ cho VIB, chi tiêu cá nhân và trả nợ vay ngoài xã hội. Đáng chú  ý, Đỗ Xuân Hai còn khai sử dụng tiền vay ngân hàng cho bị can Nguyễn Thanh Hiếu, cựu Giám đốc VIB chi nhánh Nguyễn Huệ vay 16,2 tỷ đồng.

Hai cán bộ ngân hàng gồm Nguyễn Thanh Hiếu, cựu Giám đốc VIB chi nhánh Nguyễn Huệ và Mai Ngọc Vinh, cán bộ tín dụng bị truy tối tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vì có hành vi lập khống 14 biên bản kiểm tra định giá tài sản, xác định số lượng ngô, sắn khi ít nhất là 12.400 tấn ngô, 6.520 tấn sắn trị giá 117,7 tỷ đồng khi nhiều nhất là 11.640 tấn ngô, 15.400 tấn sắn, trị giá 154,2 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty Bảo vệ 135 Nguyễn Hồng Tuấn cũng bị truy tố cùng tội danh với 2 cán bộ ngân hàng vì không triển khai các công tác bảo vệ tại kho, không nhận hàng hóa bảo vệ nhưng vẫn ký khống các biên bản kiểm tra tài sản.

Tin bài liên quan