Ảnh Lê Toàn

Ảnh Lê Toàn

Chống dịch nhưng cũng phải chống suy giảm kinh tế và chống đói nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Chúng ta không nên sa đà vào định nghĩa hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu, đặc biệt đối với hàng xuất khẩu. Chuỗi cung ứng bây giờ đan xen lẫn nhau và hàng hóa thì phải có bao bì, vậy có bao bì thiết yếu hay không? Chính vì vậy quy định qua chốt các tỉnh nên bỏ quy định hàng thiết yếu hay không?".

Quan điểm trên được ông Nguyễn Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội EuroCham bày tỏ tại hội nghị trực tuyến vừa được VCCI tổ chức chiều qua (4/8) nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Minh, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế. Chính phủ cần có quy định chung để tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Các doanh nghiệp nước ngoài đang rất hoang mang với các quy định hiện nay.

Đối với vấn đề lao động, đại diện EuroCham chỉ ra rằng, không chỉ vướng ở 3 tại chỗ mà còn vướng trong việc lưu thông từ nhà đến doanh nghiệp, nhiều lao động không muốn ở lại doanh nghiệp làm việc theo mô hình 3 tại chỗ. Trong khi đó, với lực lượng chuyên gia dù không có hạn chế nhập cảnh lao động nước ngoài nhưng ở phía Nam chuyên gia rất khó xin được chấp thuận nhập cảnh.

Về vấn đề quản lý lao động hiện nay bà Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP kể rằng, doanh nghiệp của bà đã phải ngưng sản xuất 2 tuần khi có quy định một cung đường hai điểm đến và ba tại chỗ. Nhưng bây giờ xây được 3 tại chỗ thì công nhân không tới làm vì nhà trọ của công nhân không cho đi làm bởi sợ lây lan.

“Vấn nạn lớn nhất của doanh nghiệp hiện là công nhân hoảng loạn luôn. Có xưởng trong khu công nghiệp khi nghe tin có công ty phát hiện F0 thì công nhân trong xưởng bỏ chạy ra khỏi nhà máy hết. Cần sớm có giải pháp cho công nhân yên tâm”, bà Sắc nói và đề nghị cho doanh nghiệp quản lý y tế tại chỗ. Doanh nghiệp đã mua kit kiểm tra y tế tại chỗ, đồng thời doanh nghiệp cũng là người nắm rõ công nhân và có thể quản lý được công nhân của mình.

Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành vận tải bây giờ muốn thông suốt phải mở được 4 ổ khóa: test âm tính cho lái xe theo quy định của Bộ y tế; xin Giấy chứng nhận luồng xanh theo quy định của Bộ giao thông vận tải; Giấy chứng nhận hàng hóa thiết yếu của Bộ công thương ; và chốt phòng dịch do địa phương lập có những điều kiện riêng.

“Nếu vận tải không thông suốt khó khăn sẽ nhân lên gấp bội với doanh nghiệp”, ông Minh nói và đề xuất giải pháp bỏ thủ tục xét nghiệm âm tính lái xe vì các điểm xét nghiệm đều rất đông và nguy cơ cao, thay vào đó đưa ra quy tắc vận tải an toàn là lái xe ngồi im không bước ra ngoài không đi ra khu vực khác. Bộ y tế cũng nên chấp nhận cho dùng thiết bị tự xét nghiệm để doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho lái xe của mình và tự chịu trách nhiệm với sức khỏe lái xe.

Đối với vấn đề hàng hóa đang tắc nghẽn tại cảng Cát Lái hiện nay, ông Minh cũng yêu cầu phải minh bạch thông tin công bố cho doanh nghiệp biết được tình trạng kẹt như nào? tàu hàng có vào được hay không, được bao nhiêu phần trăm và nếu trường hợp không vào được thì sẽ về cảng nào để doanh nghiệp chủ động phối hợp chuyển hướng. “Phải có tổ công tác đặc biệt của Bộ giao thông vận tải vào tìm hiểu đưa ra biện pháp xử lý ngay vấn đề này”, ông Minh nói.

Một chốt chặn kiểm tra hàng hóa lưu thông Ảnh: Lê Toàn

Một chốt chặn kiểm tra hàng hóa lưu thông

Ảnh: Lê Toàn

Đồng tình với những phản ánh của doanh nghiệp ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI cũng đã có nhiều kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng đang tích cực triển khai các giải pháp cũng như ban hành chính sách mới hỗ trợ cho doanh nghiệp. Một trong những chủ trương đó là Chính phủ sẽ kéo dài áp dụng giảm 30% thuế doanh nghiệp trong 2020 và 2021.

Theo ông Lộc, trong điều kiện phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì biện pháp này không gặp tác dụng nhiều chỉ động viên chia sẻ cho những doanh nghiệp còn đang cố gắng hoạt động tốt.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chủ trương sẽ giảm thuế cho các đối tượng cá nhân kinh doanh, giảm thuế giá trị gia tăng trong một số lĩnh vực. Ngân hàng sẽ cố gắng giảm lãi suất tiếp cận vốn vay.

Ông Lộc cho biết cũng báo cáo với Chính phủ bên cạnh những chính sách này vẫn còn dư địa giảm chi phí khác cho doanh nghiệp như giảm tiền điện (hiện nay mới giảm cho cá nhân gia đình và sẽ đề nghị giảm cho doanh nghiệp), giảm phí công đoàn còn 1%, kết dư quỹ bảo hiểm xã hội cũng nên xem xét dùng vào việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp bỏ ra thực hiện phòng chống Covid-19….

“Sau cuộc họp này VCCI sẽ thống kê các giải pháp báo cáo với Chính phủ một cách toàn diện đầy đủ hơn. Phải xác định không đối nghịch 2 mục tiêu bảo vệ sức khỏe và bảo vệ kinh tế. Phải chống dịch và chống suy giảm kinh tế chống đói nghèo. Phải có kịch bản thống nhất sống chung với dịch tạo tính tự chủ cho doanh nghiệp trong chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng 3 tại chỗ ngắn hạn thì có thể nhưng dài hạn thì phải tính phương án khác”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tin bài liên quan