Chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu có thể sắp kết thúc

Chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu có thể sắp kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể đang ở gần mức lãi suất cao nhất hoặc đã thực hiện xong việc tăng lãi suất, báo hiệu một giai đoạn "nghỉ ngơi" trước khi có thể nới lỏng chính sách tiền tệ.

Với những dấu hiệu đầu tiên đã quá rõ ràng về sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế và hậu quả do căng thẳng trên thị trường tài chính kéo dài, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất sau ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa vào cuộc họp tháng 5 có thể tạo ra một bước ngoặt trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác trong khu vực có thể tiếp tục vẫn cần chương trình thắt chặt tiền tệ lâu hơn, nhưng sự thay đổi chính sách tiền tệ của Fed do Chủ tịch Jerome Powell đưa ra sẽ là một tín hiệu quan trọng đối với các các nền kinh tế khác trên thế giới.

Từ Brazil đến Indonesia, việc xoay trục sang hướng cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu ngay trong năm nay. Nhìn chung, ít nhất 20 trong số 23 quốc gia chính được Bloomberg quan sát dự kiến ​​sẽ giảm lãi suất vào năm 2024.

Mức lãi suất cao nhất toàn cầu theo Bloomberg Economics ước tính sẽ là khoảng 6% trong quý thứ III/2023. Đến cuối năm 2024, mức lãi suất cao nhất sẽ giảm xuống còn 4,9%/năm.

“Kể từ đầu năm nay, các ngân hàng trung ương đã chịu nhiều áp lực do việc Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn, châu Âu tránh được suy thoái và thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt khiến nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu có nên tăng lãi suất cao hơn. Sự khủng hoảng của hệ thống ngân hàng toàn cầu càng làm lung lay quan điểm tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương. Cho đến nay, những dấu hiệu cho thấy đã kiểm soát được cuộc khủng hoảng ngân hàng lây lan, phe thắt chặt đang thắng thế. Lãi suất sắp đạt đỉnh”, Tom Orlik - Chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg Economics nhận định.

Trong khi đó, các quan chức Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất bất chấp căng thẳng ngân hàng trong thời gian gần đây. Và với khả năng giá dầu sẽ tăng cao hơn bởi việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể khiến Fed quyết tâm tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 5 tới.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh cần nhiều thời gian để đánh giá sự sụp đổ của SVB có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế Mỹ, thì quan điểm của họ về sự cần thiết phải hạ nhiệt lạm phát vẫn đang là ưu tiên. Giới chuyên gia dự báo Fed sẽ còn ít nhất một lần tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khác từ mức lãi suất hiện tại của Fed là 4,75% đến 5%.

Điều đó thể hiện rằng, các điều kiện tài chính đã bị thắt chặt sau sự sụp đổ của SVB và các quan chức Fed không loại trừ khả năng điều này sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư dự đoán lãi suất sẽ đạt đỉnh vào mức 5%, sau đó Fed sẽ cắt giảm khoảng 50 điểm cơ bản trước thời điểm cuối năm 2023.

Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg dự báo "Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản nữa vào cuộc họp chính sách tháng 5, và lãi suất cao nhất của Fed sẽ đạt 5,25%. Với việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ và thị trường lao động Mỹ vẫn còn thắt chặt, lạm phát của Mỹ có thể sẽ duy trì ở mức gần 4% vào năm 2023 và khiến Fed không thể thực hiện cắt giảm lãi suất, như thị trường hiện đang dự đoán. Chúng tôi nhận thấy Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao nhất trong suốt năm nay, ngay cả khi một cuộc suy thoái nhẹ có thể xảy ra vào cuối năm 2023”.

Tin bài liên quan