Loretta Mester: Fed nên tăng lãi suất vượt mức 5%

Loretta Mester: Fed nên tăng lãi suất vượt mức 5%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Fed tại Cleveland, bà Loretta Mester cho biết, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tăng lãi suất lên trên mức 5% trong năm nay và duy trì trong một thời gian.

Các số liệu kinh tế mới nhất được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang dần hạ nhiệt, nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm bớt lo ngại về lạm phát.

Bà Mester, Chủ tịch Fed tại Cleveland cho biết trong một sự kiện ngày 4/4 tại Đại học New York rằng, để đưa lạm phát diễn ra theo hướng ổn định xuống 2%, chính sách tiền tệ của Mỹ cần phải được điều chỉnh một chút ở một phạm vi hạn chế trong năm nay, với lãi suất cần lên cao hơn 5% và duy trì trong một thời gian để dập tắt lạm phát đang diễn ra. Mức độ cụ thể sẽ tuỳ thuộc vào tình hình giá cả.

Trong buổi hỏi đáp sau bài phát biểu, Mester cho biết, bà rất hài lòng với quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% của Fed vào tháng 3, dù những bất ổn của ngành ngân hàng đã gây xáo trộn cho thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, bà cũng cho biết bà không dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ hạ lãi suất trong năm nay.

Kể từ sau cuộc họp tháng trước, các nhà hoạch định chính sách tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cho biết, họ đang theo dõi số liệu kinh tế để xác định mức độ căng thẳng từ những bất ổn trong ngành ngân hàng tác động ra sao đến khả năng tiếp cận nguồn vốn và nền kinh tế.

Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn nên tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa, giống như dự báo hàng quý mới nhất được công bố.

Bà Mester cho biết, mức lãi suất cao nhất sẽ được xác định bởi thời điểm nền kinh tế hạ nhiệt và áp lực giá giảm bớt.

Ngoài ra, Chủ tịch Fed Cleveland cũng chia sẻ, bà kỳ vọng lạm phát sẽ sớm được cải thiện, với tốc độ sẽ xuống khoảng 3,75% trong năm nay và đạt mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương vào năm 2025.

Tuy nhiên, nếu Fed tăng lãi suất mạnh hơn, thanh khoản càng thắt chặt hơn nữa, cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể trở nên trầm trọng hơn, đẩy cao nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.

Các ngân hàng lớn ở Mỹ hiện nay được đánh giá là đủ vốn, các ngân hàng nhỏ hơn đang ở trong tình trạng thiếu thanh khoản do lãi suất tăng nhanh khiến các khoản đầu tư dài hạn của họ mất giá trị. Chẳng hạn, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) trước khi sụp đổ đã phải bán trái phiếu từ danh mục đầu tư của mình với mức giá thua lỗ, dẫn tới một cuộc khủng hoảng niềm tin.

Cùng với đó, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn còn vì hiệu ứng của các đợt tăng lãi suất vẫn chưa được phản ánh hết vào nền kinh tế. Một chỉ số của Fed chi nhánh New York hồi cuối tháng 2 phản ánh khả năng xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng tới là khoảng 55%.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu, dù tiêu bằng thẻ tín dụng đang tăng lên, và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp 3,6% do tăng trưởng việc làm vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Tin bài liên quan