Chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đã gần tiến tới giai đoạn cuối cùng trong tháng 11/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang ở giai đoạn cuối cùng vào tháng 11, với việc các ngân hàng trung ương lớn chỉ thông qua một lần tăng lãi suất và số lần cắt giảm vượt xa mức tăng lần đầu tiên sau 33 tháng trên khắp các thị trường mới nổi.
Chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đã gần tiến tới giai đoạn cuối cùng trong tháng 11/2023

Tháng 11/2023 ghi nhận 6 ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất tổ chức các cuộc họp ấn định lãi suất, và chỉ có Ngân hàng Dự trữ Úc tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, New Zealand, Thụy Điển, Na Uy và Anh đã chọn giữ nguyên lãi suất tại các cuộc họp của họ.

Trong khi vào tháng 10, với 5 trong số các ngân hàng trung ương phát triển lớn tổ chức cuộc họp và không thực hiện một đợt tăng lãi suất nào. Tính toán của Reuters cho thấy mức tăng từ đầu năm đến nay ở mức +1.175 điểm cơ bản trong 37 lần tăng lãi suất.

Có thể thấy rằng, chu kỳ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn đang dần kết thúc khi lạm phát giảm dần và mối lo ngại về tăng trưởng ngày càng gia tăng, tuy nhiên thị trường và các nhà hoạch định chính sách dường như không thống nhất được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Thị trường đã đặt cược rằng các ngân hàng trung ương lớn như Fed và ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm tới. Trong khi một số nhà kinh tế cho rằng quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn.

Jean Boivin, Giám đốc Viện Đầu tư BlackRock cho biết: “Chắc chắn, lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới do những bất ổn trong thời kỳ đại dịch giảm bớt, với việc chi tiêu của người tiêu dùng chuyển dần sang dịch vụ từ hàng hóa”.

Tuy nhiên, với việc lạm phát được duy trì ở mức cao hơn mục tiêu chính sách của ngân hàng trung ương là 2% do những thay đổi cơ cấu lớn như lực lượng lao động tăng trưởng chậm lại, sự phân mảnh địa chính trị và quá trình chuyển đổi carbon thấp, các ngân hàng trung ương có thể không chuyển hướng ngay khi một số người lạc quan hy vọng.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy các ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn”, ông Jean Boivin cho biết.

Trong khi đó, tại các nền kinh tế mới nổi, số lần cắt giảm lãi suất đã vượt xa số lần tăng lãi suất trong tháng 11 kể từ tháng 2/2021 theo mẫu của Reuters gồm 18 ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển, với 14 ngân hàng đã tổ chức cuộc họp ấn định lãi suất.

Robert Simpson, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Pictet Asset Management cho biết: “Các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã rất chủ động trong suốt hai, ba năm qua và có hành vi tăng lãi suất rất nhanh chóng”.

“Họ thực sự đã có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trước Fed và thực tế là chúng tôi hiện đang loại bỏ mọi lo ngại về việc tăng lãi suất, nhưng việc giá cả sụt giảm thực sự tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trở lại mức bình thường hơn và chúng tôi thấy điều đó sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới”, ông cho biết.

Cả Brazil và Hungary đều kéo dài chu kỳ nới lỏng lãi suất, khi hạ lãi suất lần lượt là 50 điểm cơ bản và 75 điểm cơ bản trong tháng 11, điều này cũng đồng thời xác nhận rằng châu Mỹ Latinh và Trung Âu vẫn đi đầu trong chu kỳ nới lỏng.

Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vẫn đang phải chống chọi với tình trạng lạm phát cao dai dẳng và đồng tiền suy yếu - thực hiện tăng lãi suất 500 điểm cơ bản trong tháng 11.

Tổng cộng kể từ đầu năm, các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã tăng lãi suất thêm 4.725 điểm cơ bản, thấp hơn nhiều so với mức tăng lãi suất thêm 7.425 điểm cơ bản trong cả năm 2022.

Tin bài liên quan