Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ: Sự can thiệp vào Credit Suisse đã giúp tránh được khủng hoảng tài chính

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ: Sự can thiệp vào Credit Suisse đã giúp tránh được khủng hoảng tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (1/11), Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cho biết, sự can thiệp của ngân hàng trung ương trong thời điểm Credit Suisse sụp đổ là “rất quan trọng” để tránh một “cuộc khủng hoảng tài chính” trên toàn thế giới.

SNB đã cung cấp một cứu cánh to lớn cho ngân hàng đang gặp khó khăn sau khi niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư bị sụp đổ dẫn đến lượng khách hàng rút tiền gửi hàng loạt. Là một phần của kế hoạch này, SNB đã bơm thanh khoản khẩn cấp 168 tỷ franc Thụy Sĩ (185 tỷ USD).

Điều này giúp ngân hàng trung ương cùng với Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) và chính quyền Thụy Sĩ có thời gian để thúc đẩy cho đợt bán khẩn cấp Credit Suisse cho UBS vào tháng 3 với mức giá chiết khấu chỉ 3 tỷ franc Thụy Sĩ.

“Sự sẵn lòng và khả năng cung cấp thanh khoản của SNB là rất quan trọng trong việc quản lý cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Credit Suisse và do đó tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Thụy Sĩ và phần còn lại của thế giới”, Thomas Jordan, Chủ tịch SNB cho biết.

UBS vào tháng 8 thông báo rằng họ đã chấm dứt các biện pháp bảo vệ của chính phủ và ngân hàng trung ương với Credit Suisse sau khi hoàn tất việc tiếp quản, bao gồm khoản hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cộng với khoản vay trị giá 50 tỷ franc Thụy Sĩ nhận được từ SNB.

Ông Thomas Jordan cho rằng nếu không có khoản vay khẩn cấp, Credit Suisse có nguy cơ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình, gây nguy hiểm cho sự ổn định của hệ thống.

Nhận xét của ông Thomas Jordan lặp lại nhận xét của Giám đốc điều hành FINMA Urban Angehrn, ông đã đề xuất vào tháng 4 rằng việc cho phép Credit Suisse rơi vào tình trạng phá sản sẽ làm tê liệt nền kinh tế Thụy Sĩ và có thể dẫn đến việc rút tiền gửi khỏi các ngân hàng khác.

Tuy nhiên, ông Thomas Jordan lưu ý rằng, có những bài học quan trọng cần rút ra về các quy định thanh khoản và bảo vệ khỏi dòng tiền gửi của khách hàng chảy ra nhanh hơn và lớn hơn.

Chính quyền Thụy Sĩ, SNB và FINMA phải đối mặt với những lời chỉ trích và thách thức pháp lý trong việc xử lý vụ tiếp quản bắt buộc, đặc biệt là về việc thiếu sự tham gia của cổ đông và việc xóa sổ 17 tỷ USD trái phiếu cấp một bổ sung (AT1) của Credit Suisse, sau được ghi giảm về 0 trong khi cổ đông phổ thông nhận được các khoản thanh toán.

Tin bài liên quan