Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG

Chủ tịch TNG: Luôn thúc đẩy sự thay đổi

(ĐTCK) Cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG diễn ra khá tình cờ, ngay sau khi thị trường chứng khoán đón nhận tin Tổng thống Trump đe doạ đánh thuế với hàng nghìn dòng sản phẩm từ Trung Quốc có giá trị 300 tỷ USD. Động thái đó làm dấy lên lo ngại các mức thuế mới sẽ sớm được áp đặt với hàng dệt may nước này. Liệu ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cuộc chuyển mình dưới tác động của thương chiến? 

 Chưa vội mừng với làn sóng dịch chuyển

Kể từ khi Mỹ có lời đe doạ tăng 25% thuế với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, đã có nhà nhập khẩu may mặc Mỹ đặt câu hỏi: “Liệu đã đến lúc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam?”.

Hiện rất nhiều thương hiệu lớn đã và đang đặt sản xuất của họ ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh thị phần hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chiếm tới 42% so với 12,5% từ Việt Nam đã thấy rõ quy mô khập khiễng giữa 2 nước. Bởi thế, nếu cho rằng để tránh mức thuế 25%, sẽ có làn sóng dịch chuyển toàn bộ hàng dệt may từ Trung Quốc với nền sản xuất của 1,4 tỷ dân sang Việt Nam với nền sản xuất của 96 triệu dân, ông Thời nói “thật là sai lầm”.

Vị Chủ tịch TNG cũng không quá vui mừng với làn sóng dịch chuyển sản xuất. Ông nói rằng, đây sẽ là một thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam, làm sao để đón nhận được các đơn hàng nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố về môi trường, con người và chất lượng sản phẩm.

Gần đây, lại có thêm những thông tin cho rằng, các đối tác lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị tác động từ các bất ổn kinh tế toàn cầu, cũng như việc các nhà sản xuất Trung Quốc thực hiện bán phá giá nhằm giải phóng hàng tồn trước thời điểm bị áp thuế, đang gây tác động mạnh đến đơn hàng. Vấn đề này càng khiến cho câu chuyện về năng lực, chất lượng và uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp được đem ra “mổ xẻ”

“Ở các doanh nghiệp khác thì tôi chưa nắm rõ, nhưng ở TNG không có chuyện đáng e ngại gì về đơn hàng”, ông Thời nói.

Báo cáo tài chính của TNG cho thấy, trong tháng 7, doanh thu của TNG đạt 596 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 2.749 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Hết tháng 10 năm 2019, doanh thu của Công ty sẽ đạt mức thực hiện của cả năm 2018. Ðây là các số liệu đã xác nhận bằng đơn hàng đang thực hiện. Ðơn hàng 2 tháng còn lại của năm cũng đảm bảo cho mức tăng trưởng ít nhất 15% về doanh thu.

“Chúng tôi dự kiến doanh thu năm nay vào khoảng 4.500 tỷ đồng. Thời điểm này, chúng tôi đang đàm phán cho kế hoạch năm sau. 5-6 khách lớn nhất của TNG vẫn là các nhà bán lẻ lớn trên thế giới. Họ cần hàng. Các đối tác lớn của TNG như Delcathlon thậm chí còn yêu cầu tăng đơn hàng thêm 3%, Cosco mới vào cũng dứt khoát không giảm. Khách nào cũng đòi tăng sản lượng. Bởi thế, tôi cho rằng, các doanh nghiệp không lo thiếu đơn hàng, quan trọng là quản lý chất lượng và giữ uy tín thương hiệu”, vị Chủ tịch TNG nhận xét .

Rung chuông để thay đổi

Vấn đề lớn nhất với một doanh nghiệp dệt may có quy mô lên tới gần 17.000 lao động như TNG, theo chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Văn Thời là tập trung vào quản trị hiệu quả. Bằng cách nào? Bằng công nghệ, thi đua khen thưởng và công tác cán bộ.

“Chúng tôi thống kê chi phí 3 năm gần nhất của từng chi nhánh, lấy mức trung bình và yêu cầu năm 2019, các đơn vị thực hiện dưới mức đó thì được thưởng, không làm được có thể tính đến việc thay người”.

16 chi nhánh của TNG hoạt động như các công ty độc lập, hàng tháng đều có xếp hạng, tất nhiên hệ số để tính toán còn phụ thuộc quy mô, doanh thu, khả năng đóng góp lợi nhuận… Bảng xếp hạng này chính là cơ sở để tính lương, thưởng. Công thức tính, tỷ lệ tính cho từng chi nhánh được công khai trong cả hệ thống. Lương giám đốc chi nhánh có thể tới 200 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch TNG: Luôn thúc đẩy sự thay đổi ảnh 1

Việc của công ty mẹ là hỗ trợ, sát cánh để các chi nhánh có đơn hàng, đào tạo, giúp họ chủ động hạch toán được chi phí, quản trị công việc…

“Ðã qua cả những bước đó rồi mà chi nhánh vẫn không đạt định mức thì tôi sẽ rung chuông. Không chuyển biến thì thay thế và mình cũng phải nhận lỗi là đã chọn không đúng người”, ông Thời kể.

Thái Nguyên, nơi TNG đặt đại bản doanh, không phải là miền đất dễ cạnh tranh về nguồn nhân lực khi Tập đoàn Samsung đã xây dựng tổ hợp nhà máy lớn nhất tại đây, kế đó không xa là các nhà máy may quy mô trung bình khác. Song trong cuộc đua thu hút nhân công, TNG lại trở thành điểm sáng do tập trung vào chăm lo chế độ đãi ngộ mà trong đó mức lương trung bình 7,5 triệu đồng/tháng đã giải quyết được nhu cầu cân bằng cuộc sống của người lao động.

Khi Samsung mới vào, lương bình quân của họ cao, nên các doanh nghiệp như TNG cũng bị hút nhân lực. Nhưng mức lương của doanh nghiệp Việt đã tiệm cận nên gần một năm nay, tỷ lệ nghỉ việc ở TNG hầu như rất thấp. Tới đây, các nhà máy hiện đại, tự động hóa được đưa vào hoạt động thì TNG cũng không cần tuyển thêm lao động mới.

“Tôi công bố rõ ràng, ở TNG không có chuyện vi phạm quy định về lao động. Nếu ở đâu có vi phạm, người lao động lập tức được bồi thường, còn người phát hiện ra được khen thưởng”. Ðó là một cách dụng nhân của chủ tịch TNG.

Ông Thời cũng yêu cầu bộ phận nhân sự thường xuyên khảo sát mặt bằng lương ở các khu vực có nhà máy, để biết mức độ cạnh tranh và thực hiện. Mỗi tháng, hệ thống TNG chi khoảng 120 tỷ đồng tiền lương, 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Chúng tôi luôn yêu cầu phải suy nghĩ để có những cải tiến đem lại sự hài lòng cho khách hàng

- Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG   

Ðặc biệt, TNG nhìn nhận, nơi an cư lạc nghiệp cho cán bộ nhân viên của Công ty là một nhu cầu cấp bách. Ông Thời quan niệm,”xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên Công ty cũng quan trọng như việc xây dựng nhà máy mới”.

Ðây chính là lý do “TNG Village”, tổ hợp bất động sản đầu tiên của TNG ra đời. Ðược đầu tư xây dựng hiện đại, nhưng lại vận hành, quản lý theo cách đề cao văn hóa làng xóm, cộng đồng của người Việt, đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp cho nhiều gia đình người TNG.

TNG Village sẽ chính thức mở bán cho cán bộ công nhân viên của mình với mức giá ưu đãi vào tháng 9/2019. Dự án ước đem lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng cho TNG trong năm 2019 vì TNG làm xong nhà hoàn thiện mới mở bán.

Phải bắt nhịp xu hướng

TNG đã chuẩn bị từ 5 năm trước cho sự thay đổi, kể từ khi cuộc đàm phán Hiệp định thương mại đa phương TPP (hiệp định CPTPP cũ khi có cả Mỹ). Chỉ riêng năm 2018, TNG đã thực hiện nhiều chiến lược mở rộng về quy mô sản xuất, cải tiến kỹ thuật công nghệ, tuyển thêm 3.000 công nhân.

Người chèo lái TNG cũng rất chịu khó đầu tư cho chuỗi sản xuất phụ trợ để chủ động kiểm soát chất lượng, thời gian giao hàng… Ðến nay, chuỗi phụ trợ của TNG đã bao gồm đến 7 ngành hàng gồm dây chuyền bông, thêu, trần, thùng carton, túi PE, in, giặt. Ngoài dây chuyền bông đang hoạt động hết công suất 3 ca, từ quý IV tới, một nhà máy bông có công suất gấp đôi hiện nay sẽ đi vào hoạt động, gia tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp.

Trong phóng sự của CNBC, Top 3 đài truyền hình Mỹ về ngành may mặc Việt Nam lấy bối cảnh quay tại nhà máy Ðại Từ được phát sóng mới đây, chúng tôi thắc mắc khi thấy hệ thống máy dò kim của TNG chạy tới 2 lần trên một sản phẩm. Ông Thời cười và giải thích: “Thông thường, khách hàng chỉ yêu cầu máy dò kim chạy 1 lần nhưng tại TNG, chúng tôi đã đưa vào quy trình 2 lần quét cả 2 mặt của sản phẩm, để đảm bảo an toàn sản phẩm ở mức cao nhất. Ðây là tiêu chuẩn riêng của TNG và chúng tôi luôn yêu cầu phải suy nghĩ để có những cải tiến đem lại sự hài lòng cho khách hàng”.

Ðược, mất từ “thương chiến” khó đoán định, nhưng có một điều chắc chắn rằng, cơ hội sẽ song hành với nhiều thách thức. Chỉ có phát triển bền vững, đầu tư chiều sâu, các ngành sản xuất mới đón đầu được cơ hội để trỗi dậy và hiện thực hóa khát vọng tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.    

Tin bài liên quan