Chứng khoán châu Á được kỳ vọng sẽ có xu hướng tích cực trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán châu Á đang có khởi đầu thuận lợi trong đầu năm khi triển vọng lợi nhuận, định giá và dòng vốn từ khối ngoại đều ở mức tích cực.
Chứng khoán châu Á được kỳ vọng sẽ có xu hướng tích cực trong năm 2023

Đợt phục hồi kể từ cuối tháng 10 đã đẩy Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương tăng gần 23%, vượt xa mức tăng của chỉ số S&P 500 nhiều nhất kể từ năm 1993, đồng thời cũng vượt trội hơn so với các chỉ số ở Châu Âu. Động lực chính là việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, đồng đô la suy yếu mang lại lợi nhuận bổ sung khi các nhà đầu tư tìm kiếm các thị trường chống suy thoái.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đang hướng tới khởi đầu một năm tốt nhất kể từ năm 2012, với mức tăng 7,2% tính tới ngày 22/1. Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang được nâng dự báo nhanh chóng cũng mang lại lợi ích cho các nền kinh tế trong khu vực, trong khi ước tính lợi nhuận cũng đang tăng lên trái ngược với sự sụt giảm ở châu Âu và Mỹ.

Gary Dugan, giám đốc điều hành nhà quản lý tài sản Global CIO Office cho biết, với những lo ngại về suy thoái kinh tế ở các quốc gia phát triển, “triển vọng chính quyền Trung Quốc hỗ trợ tăng trưởng trong nước đã khiến tài sản của cả Trung Quốc và châu Á nói chung trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Chúng tôi đã tăng tỷ trọng của mình ở châu Á và thấy rằng điều này có thể có hiệu quả trong nhiều tháng”.

Trung Quốc đã nhận được hầu hết sự chú ý trong đợt phục hồi của thị trường chứng khoán châu Á nói chung, với Chỉ số MSCI China Index đã tăng hơn 50% kể từ cuối tháng 10. Nhưng sự lạc quan cũng đang lan rộng. Chỉ số chứng khoán Philippines và Việt Nam đã bước vào thị trường giá lên trong tháng này trong khi chỉ số chứng khoán Đài Loan cũng sắp bước vào thị trường tăng giá.

Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ châu Á của BofA cho thấy 95% nhà quản lý quỹ đang kỳ vọng cổ phiếu ở châu Á Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ tăng trong 12 tháng tới và khoảng một nửa trong số họ dự đoán sẽ có mức tăng hai con số. Hầu hết các nhà quản lý quỹ đều “rất lạc quan về Trung Quốc”.

Ngoài ra, khối ngoại đã mua ròng 16,5 tỷ USD giá trị cổ phiếu Trung Quốc chỉ trong tháng 1, đây là dòng tiền vào hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận. Khối ngoại cũng đã rót 3,3 tỷ USD vào Hàn Quốc và 4,5 tỷ USD vào Đài Loan.

Ngay cả khi đang trải qua sự phục hồi, định giá của châu Á vẫn ở mức tương đối phù hợp. Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đang giao dịch ở mức P/E là 12,9 lần, phù hợp với mức trung bình 5 năm.

Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế phát triển chắc chắn có thể làm dịu đi tâm lý lạc quan mới hình thành ở thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là đối với các thị trường phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc. Và khi nền kinh tế Trung Quốc quay trở lại nhịp độ mạnh mẽ, áp lực lạm phát sẽ có nguy cơ gia tăng trở lại, điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương theo đuổi chính sách tiền tệ diều hâu lâu hơn.

Trong khi đó, báo cáo lợi nhuận đang vẽ nên một bức tranh đầy hứa hẹn. Theo dữ liệu của Bloomberg, ước tính EPS kỳ hạn 12 tháng của chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã tăng khoảng 6% kể từ cuối tháng 10, so với mức giảm ít nhất 1% cho mỗi chỉ số đại diện cho Mỹ và Châu Âu.

“Không có bất kỳ nền kinh tế nào ở châu Á có nguy cơ suy thoái. Trên cơ sở kỳ hạn 12 tháng, chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán châu Á sẽ kết thúc năm 2023 theo xu hướng tích cực”, các chiến lược gia của Bernstein cho biết vào đầu tháng này.

Tin bài liên quan