Chứng khoán, dầu thô chao đảo vì Hy Lạp

Chứng khoán, dầu thô chao đảo vì Hy Lạp

(ĐTCK) Chứng khoán, dầu thô đồng loạt giảm điểm trong phiên đầu tuần mới sau khi kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp được công bố, đặc biệt là giá dầu thô bốc hơi tới hơn 8%.

Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp hôm 5/7 vừa được Bộ Nội vụ nước này công bố, có 61,31% cử tri đi bầu đã chọn không đồng ý cắt giảm chi tiêu để nhận tiền vay của các chủ nợ quốc tế.

Không chỉ có thế, ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, người đứng đầu phái đoàn Hy Lạp đàm phán với các chủ nợ trong suốt thời gian qua bất ngờ  thông báo từ chức.

Những thông tin từ Hy Lạp khiến châu Âu “bở hơi tai”. Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung euro có cuộc họp vào ngày 7/7 để thảo luận về kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Ngân hàng Trung ương châu Âu họp hội nghị các thống đốc vì Ngân hàng Trung ương Hy Lạp xin vay tiền từ quỹ khẩn cấp.

Ngày 6/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel sang Pháp gặp Tổng thống François Hollande ăn tối và đánh giá hậu quả trưng cầu ý dân Hy Lạp.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy triệu tập các bộ trưởng kinh tế và tài chính để phân tích kết quả trưng cầu ý dân Hy Lạp.

Chủ tịch nhóm các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro Jeroen Dijsselbloem than phiền: “Đây là kết quả rất đáng tiếc cho tương lai Hy Lạp… Để kinh tế Hy Lạp phục hồi, các biện pháp khó khăn và cải cách là không thể tránh khỏi”.

Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Martin Schulz kêu gọi: “Chính phủ Hy Lạp phải đưa ra đề nghị có hiệu quả và xây dựng trong những giờ tới, nếu không, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn rất khó khăn và bi kịch”.

Trong khi đó, tại Đức, Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel nhận định, Hy Lạp đã cắt đầu cầu cuối cùng giữa Hy Lạp với châu Âu và sắp tới rất khó đàm phán với Hy Lạp.

Những thông tin tiêu cực từ Hy Lạp, khiến lo ngại lây lan sang các nền kinh tế khác và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới đã khiến giá dầu lao dốc, qua đó đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh. Cùng với nỗi lo Hy Lạp, chứng khoán Trung Quốc, việc cổ phiếu năng lượng giảm mạnh đã khiến phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones giảm 46,53 điểm (-0,26%), xuống 17.683,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,02 điểm (-0,39%), xuống 2.068,76 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,27 điểm (-0,34%), xuống 4.991,94 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, không khó hiểu khi chứng khoán khu vực này giảm mạnh trong phiên đầu tuần bởi ảnh hưởng thông tin từ Hy Lạp.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,10 điểm (-0,76%), xuống 6.535,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 167,76 điểm (-1,52%), xuống 10.880,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 96,68 điểm (-2,01%), xuống 4.711,54 điểm.

Thông tin về cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp cũng ảnh hưởng nặng nề tới chứng khoán châu Á. Chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần với chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 2%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm tới hơn 3%, xuống mức thấp nhất 3 năm. Trong khi đó, việc Bắc Kinh đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán đã phần nào vực dậy tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán nước này hồi phục khá trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 427,67 điểm (-2,08%), xuống 20.112,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 827,83 điểm (-3,18%), xuống 25.236,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 89,00 điểm (+2,41%), lên 3.775,91 điểm.

Thông tin tiêu cực từ Hy Lạp giúp giá vàng tăng khá mạnh khi mở cửa phiên giao dịch châu Á. Tuy nhiên, việc đồng USD tăng giá đã gây sức ép ngược trở lại, đẩy giá kim loại quý này giảm trở lại cuối phiên. Trong phiên châu Âu, giá vàng dần hồi phục và tăng mạnh trong đầu phiên Mỹ giống như đầu phiên châu Á, nhưng đà tăng mạnh của kim loại quý này cũng không duy trì được lâu khi hạ vào cuối phiên do ảnh hưởng từ đồng USD và nhất là sự lao dốc của giá dầu.

Kết thúc phiên 6/7, giá vàng giao ngay tăng 1,5 USD (+0,13%), lên 1.169,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 5,4 USD/ounce (+0,46%), lên 1.173,2 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu bị bán tháo mạnh nhất 5 tháng trong phiên giao dịch đầu tuần khi lo ngại tình hình Hy Lạp sẽ lan rộng, cũng như lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ngoài ra, việc Iran đang nỗ lực đáp ứng các điều kiện với hạn chót ngày 7/7 để đạt được thỏa thuận hạt nhân, nhằm được dỡ bỏ lệnh cấm vận của phương Tây cũng làm gia tăng nguồn cung dầu.

Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô Mỹ giảm 4,40 USD/thùng (-8,38%), xuống 52,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 5,53 USD (-9,78%), xuống 56,54 USD/thùng.

Tin bài liên quan