Chứng khoán phái sinh: Bên mua vui trở lại

Chứng khoán phái sinh: Bên mua vui trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thấp vừa tạo rủi ro, vừa tạo cơ hội, khi chỉ cần một ít lực đẩy là giá có thể biến động rất xa điểm hành động theo các ngưỡng kỹ thuật và bên mua đã vui trở lại khi chỉ số bật tăng trong phiên cuối tuần qua.

Yếu tố liên thị trường: Quan điểm đầu tư thay đổi

Thị trường chứng khoán toàn cầu bước vào giai đoạn cuối năm với sự thay đổi về quan điểm đầu tư. Ở các thị trường lớn, nhiều thành viên tham gia bắt đầu mạnh tay giải ngân trở lại khi có dấu hiệu về việc dòng tiền chuyển hướng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện quan điểm sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Cụ thể, với khả năng chỉ số giá tiêu dùng tạo đỉnh, việc áp dụng chính sách nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát không còn quá nặng nề. Điều này khiến thị trường kỳ vọng, vùng đỉnh lãi suất sẽ rơi vào quý I/2023.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, nhóm ngành bất động sản tiếp tục thử thách tâm lý không ít nhà đầu tư khi cổ phiếu NVL và PDR liên tiếp giảm giá hết biên độ mỗi phiên giao dịch. Điều này tạo áp lực lên các vị thế đang trực tiếp nắm giữ 2 mã chứng khoán đó và ảnh hưởng gián tiếp đến nhóm ngành, cũng như các vị thế bị đặt trong tình trạng “bán chéo”.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Dựa trên vận động từ các loại tài sản, có thể nhận ra sự thay đổi rõ nét của lãi suất trái phiếu. Nếu như trong các tuần trước, trạng thái của tài sản này luôn ở mức tăng mạnh và duy trì ổn định trong thời gian dài, thì việc định hướng tài sản về vùng suy yếu thể hiện quan điểm thị trường đã có sự thay đổi đáng kể.

Việc chỉ số S&P 500 tăng mạnh vào vùng dẫn dắt cũng thể hiện rõ câu chuyện thị trường này, cho thấy nhà đầu tư đã dần quay trở lại với các tài sản rủi ro như chứng khoán. Thực tế, các thị trường châu Á cũng có sự cải thiện tích cực, chỉ số Shanghai SE đã có nhịp hồi phục sau quãng thời gian dài nhà đầu tư rút vốn.

Riêng với chỉ số VN-Index, đà tăng hiện tại chưa được ghi nhận. Ảnh hưởng tâm lý giao dịch từ những thông tin bất lợi mang tính cục bộ cho thấy, dòng tiền đứng ngoài vẫn còn rất thận trọng.

VN30: Tín hiệu hồi phục

Sau pha đảo chiều bất ngờ với việc VN30 thoát ly khỏi kênh giảm kỹ thuật, vận động từ chỉ số đang thể hiện kỳ vọng về khả năng tạo đáy ngắn hạn.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Cụ thể, khối lượng bán đột biến trong thời điểm giá kiểm chứng lại kênh cản kháng cự mạnh tại vùng 1.000 là điểm xoay chiều khá nhạy cảm, giá có nguy cơ lùi xuống biên dưới của kênh. Tuy nhiên, khả năng này đã không xảy ra, mà ngược lại, pha điều chỉnh trở thành nền tảng cho nhịp hồi phục tiếp theo. Có thể khẳng định, sự thay đổi về tư duy dòng tiền đã diễn ra.

Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật ghi nhận sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là vận động đồng pha của RSI sau giai đoạn cảnh báo đảo chiều tăng nhờ phân kỳ dương. Đồng thời, mẫu hình 2 đáy bắt đầu được thành lập, mang đến kỳ vọng về khả năng cạn cung của thị trường hiện tại. Theo đó, VN30 bắt đầu tích lũy, gia tăng xác suất tăng trưởng phục hồi sau gần hai tuần vận động tiêu cực vì yếu tố tâm lý và nhiều mã thành phần chưa “đón dòng tiền”.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh mua tại vùng hỗ trợ mạnh

Chỉ số phái sinh tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần qua, khi biến động giá tạo cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời nhờ lướt sóng trong phiên.

Nhưng vận động thị trường thật sự không đơn giản nếu nhìn vào bức tranh kỹ thuật. Các thông số tham chiếu như mức chênh (Basis) giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở hay RSI đều có diễn biến phức tạp, mang tính ngờ, thay vì có xu hướng ổn định. Nguyên nhân một phần đến từ thanh khoản thị trường gần đây khá thấp, vừa tạo rủi ro, vừa tạo cơ hội khi chỉ cần một ít lực đẩy là giá có thể biến động rất xa điểm hành động theo các ngưỡng kỹ thuật.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Chi tiết hơn với vận động từ Basis, biến động giá được khuếch đại lên nhiều nhờ sự hỗ trợ từ mức phí (premium) thấp, cho thấy sự đồng thuận khá lớn giữa hai bên mua (Long) và bán (Short). Trường hợp thị trường phục hồi, các vị thế gần như tập trung vào Long, khiến Basis vênh dương. Ngược lại, khi tín hiệu Short bắt đầu, các vị thế gần như chuyển đổi ngay lập tức. Đây cũng là hiện tượng xuất hiện sự tham gia của hệ thống giao dịch tự động, kích hoạt giao dịch ngay khi tín hiệu tăng/giảm từ phái sinh xuất hiện.

Với vận động từ RSI, mặc dù biến động giá có phần khó dự đoán, nhưng bức tranh lớn vẫn giữ vững. Cụ thể, các tín hiệu phân kỳ dương từ RSI vẫn được phản ánh vào vận động giá sau đó. Đồng thời, nền giá được nâng cao khi dòng tiền đầu tư tích cực tham gia mua lên. Chỉ số cũng đang tiếp tục tích lũy cho các nhịp hồi phục.

Do vậy, kỳ vọng biến động giá vẫn khá lớn. Trong trường hợp ngưỡng cản kháng cự Fibonacci 61,8% bị phá vỡ, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua với mục tiêu giá tiến lên vùng 1.040 điểm. Ngược lại, trường hợp RSI không thể duy trì trong vùng quá mua khi đã chạm cản mạnh, lệnh bán khi giá thủng hỗ trợ 955 điểm nên được cân nhắc.

Tin bài liên quan