Chứng khoán phái sinh: Tuần nhiều sóng gió

Chứng khoán phái sinh: Tuần nhiều sóng gió

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, nhà đầu tư trên thị trường cơ sở và thị trường phái sinh tiếp tục được trải qua những phiên giao dịch đầy sóng gió.

Biến động vĩ mô đang khởi đầu cho một chu kỳ mới

Tuần qua, các chỉ số VN-Index và VN30 tiếp tục có những phiên tăng, giảm mạnh nhất trong nhóm các chỉ số tài chính được chú ý toàn cầu. Rủi ro giao dịch vẫn khá lớn, nhưng nếu xét về mặt xu hướng, có thể tín hiệu thị trường giai đoạn này đã bắt đầu có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Nhìn về góc độ liên thị trường, nhà đầu tư đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quan điểm tăng lãi suất “nhẹ nhàng hơn” trong kỳ họp tới. Vận động giá từ USD và theo sau là sự ổn định của tỷ giá USD/VND có thể là nguyên nhân giúp cho dòng tiền khối ngoại tham gia “nhiệt tình” và theo đó cũng cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Đồ thị vận động từ các tài sản quan trọng.

Đồ thị vận động từ các tài sản quan trọng.

Sự thay đổi lớn nhất với bản đồ tài sản là trạng thái trái phiếu với lãi suất giảm mạnh từ vùng dẫn dắt về lại vùng suy yếu. Thái cực tâm lý với kỳ vọng lãi suất thay đổi quá nhanh chóng chỉ sau một vài tuần thể hiện rõ sự khắc nghiệt của thị trường trong năm nay.

Bên cạnh đó, một tài sản khác gây hiện tượng tăng nóng về lạm phát trước đây là dầu thô cũng đã tìm về khu vực tiêu cực nhất, gợi ý đà rơi sẽ còn kéo dài. Ngược lại, các tài sản mang tính rủi ro cao như chứng khoán và vàng bắt đầu chiếm lại được các vùng hồi phục, thậm chí với S&P 500 thể hiện khá rõ vai trò dẫn dắt tâm lý dòng tiền khi vận động tích cực.

Nói riêng về VN-Index, mặc dù biến động mạnh trong thời gian qua, nhưng các dấu hiệu về kỳ vọng hồi phục đã bắt đầu quay trở lại. Hướng vận động tiếp theo từ chỉ số quan trọng với thị trường Việt Nam đang di chuyển lên góc cao hơn trên bản đồ tài sản.

Tích lũy và phục hồi với VN30

Nhìn về góc độ rộng, chỉ số VN30 đang phục hồi tích cực trong ngắn hạn. Thực tế, việc đầu tư ngắn hạn với các mã chứng khoán trong tuần khá “nhẹ nhàng” nếu so với nguyên một năm trở lại đây.

Đồ thị kỹ thuật VN30 ngày 9/12/2022.

Đồ thị kỹ thuật VN30 ngày 9/12/2022.

Điểm khác biệt nhất đối với đồ thị kỹ thuật VN30 là yếu tố thanh khoản. Nếu như trong những thời điểm giá tạo đáy trước đó, việc phục hồi chỉ đơn giản là phản ứng kỹ thuật thì yếu tố thanh khoản hiện tại đang khẳng định dòng tiền mới đã tham gia bắt đáy. Đà tăng thanh khoản lên mạnh cùng với nhịp phục hồi ấn tượng của VN30 cho thấy các thành viên tham gia đang khá tích cực “bắt đáy” và đồng thời củng cố được pha tăng trưởng ngắn hạn này.

Tuy nhiên, điểm cản thật sự của VN30 vẫn đang tại vùng 1.150 điểm, là nơi xác lập vùng cản kháng cự mạnh của năm 2022. Điểm giá này cũng chính là phần cản 38,2% của kênh cản kỹ thuật Fibonacci truyền thống.

Tại đây, khả năng tăng mạnh và bứt cản kháng cự từ giá cũng có xác suất giảm đi so với tuần trước khi dư địa tăng từ RSI hẹp lại và chuẩn bị tiếp cận vùng quá Mua. Do vậy, mặc dù xu hướng giá tăng vẫn kỳ vọng duy trì, nhưng tích lũy là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại

Chiến lược giao dịch: “Tích lũy để đi xa hơn”

Mặc dù xu hướng tăng giá được khẳng định khá rõ trong tuần và phái sinh một lần nữa ghi nhận phiên tăng trần ấn tượng, nhưng thật sự không dễ để nhà đầu tư phái sinh giữ lại được thành quả với biến động giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đồ thị VN30F1M, cung giờ 1h 09/12/2022.

Đồ thị VN30F1M, cung giờ 1h 09/12/2022.

Dựa vào mẫu hình kỹ thuật với VN30F1M, có thể thấy rõ sau phiên tăng trần của hợp đồng tương lai VN30F2212 là một phiên “trả điểm” gần như xóa đi mọi thành quả. Đồng thời, vận động từ phái sinh cũng bắt đầu chuyển hướng sang biến động ngang không mang nhiều xu hướng.

Đặc điểm của trạng thái thị trường này là những mẫu hình nến “rút chân” dày đặc xuất hiện cả hai chiều Mua và Bán. Nhìn về mặt tích cực, biến động giá lớn trong phiên mang lại cơ hội giao dịch “hoàn hảo” cho nhà đầu tư lướt sóng, nhưng sẽ là một yếu điểm nếu áp dụng chiến lược theo xu hướng thời điểm giá hiện tại.

Nhưng nếu nhìn về độ vênh Basis, có thể nhận ra tâm lý dòng tiền đã có những thay đổi về sâu về mặt bản chất. Cụ thể, mức vênh này bắt đầu khép lại dần và lấy mốc 0 trở thành điểm cân bằng chính thức, thay cho mức -10 trong rất nhiều phiên giao dịch trước đây. Theo đó, những thời điểm giá chỉnh sâu đều có dòng tiền xuất hiện Mua lên và khẳng định nền hỗ trợ cứng tại 1.028 điểm. Tuy nhiên, điểm trừ của trạng thái thị trường lần này là việc RSI đang trong xu hướng điều chỉnh và níu lại nhịp tăng phục hồi của giá.

Do vậy, kỳ vọng lớn nhất lúc này của VN30F1M là biến động tích lũy ngang với biên độ dao động khá lớn. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở lệnh Mua tại nền giá 1.030 điểm trường hợp giá kiểm chứng hỗ trợ thành công, đi cùng với RSI phục hồi từ vùng quá Bán. Ngược lại, trường hợp nền hỗ trợ bị bán “thủng”, có thể bắt đầu cân nhắc tham gia vị thế Short theo xu hướng giảm trung hạn.

Tin bài liên quan