Việc có các nhà tạo lập thị trường sẽ làm giảm bớt hiệu ứng đầu tư theo phong trào trên thị trường chứng khoán

Việc có các nhà tạo lập thị trường sẽ làm giảm bớt hiệu ứng đầu tư theo phong trào trên thị trường chứng khoán

Chứng khoán Việt sẽ chuyên nghiệp hơn khi có nhà tạo lập thị trường

(ĐTCK) Một trong những bước tiến mới trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ở tuổi thứ 18 là việc đưa cơ chế tạo lập thị trường vào áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX đánh giá, cơ chế tạo lập thị trường và các giải pháp tạo thanh khoản khác chủ yếu nhằm hoàn thiện cơ chế hoạt động của TTCK, làm tăng cơ chế tự điều tiết của thị trường. 

Quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường tại HNX đã có hiệu lực kể từ ngày 1/7 và được xem là một điểm đột phá về chính sách. Ông đánh giá như thế nào về hiệu ứng của cơ chế này đối với TTCK?

Một trong các giải pháp để phát triển bền vững đó là tăng thanh khoản cho thị trường thứ cấp. Việc tăng thanh khoản cho thị trường thứ cấp sẽ giúp củng cố lòng tin cho nhà đầu tư và trực tiếp hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.

Với mục tiêu tăng thanh khoản cho thị trường sơ cấp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 203/2015/TT-BTC với một loạt giải pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường, cụ thể như việc xây dựng hệ thống tạo lập thị trường trên nền tảng các công ty chứng khoán có năng lực tài chính và nghiệp vụ; hay việc cho phép các nhà đầu tư bán các chứng khoán vừa mua (giao dịch chờ về và giao dịch trong ngày). Thực tế, đó cũng là thông lệ phổ biến ở nhiều thị trường hiện nay.

Trong phạm vi nghiệp vụ của Sở Giao dịch chứng khoán, trong năm vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng cơ chế cho nghiệp vụ tạo lập thị trường.

Hiện trên thị trường chứng khoán có hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó có số lượng không nhỏ cổ phiếu có thanh khoản không cao.

Do đó, rất cần một cơ chế để thúc đẩy, tạo thanh khoản cho thị trường, nhất là các cổ phiếu thanh khoản thấp. Mục tiêu của hoạt động tạo lập thị trường là hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, thu hẹp khoảng chênh lệch giá, tăng khả năng thực hiện giao dịch cho nhà đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu này, các thành viên (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường phải thực hiện nghĩa vụ yết giá mua, bán khi thị trường ở tình trạng không có lệnh mua, lệnh bán; hoặc thị trường có lệnh mua, lệnh bán, nhưng chênh lệch giá mua - bán quá lớn.

Ông Nguyễn Thành Long 

Xét từ phía thị trường và nhà đầu tư, áp dụng cơ chế tạo lập thị trường có tác dụng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua việc thực hiện nghĩa vụ của các thành viên.

Vai trò chính của các thành viên tạo lập thị trường là cung cấp thanh khoản, nói cách khác là đem đến cơ hội mua bán cho các đối tượng tham gia thị trường thông qua việc đưa ra đồng thời giá chào mua, chào bán trong điều kiện thị trường kém thanh khoản, không có lệnh mua bán hoặc khả năng thực hiện giao dịch không cao.

Sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường góp phần trong việc duy trì sự linh hoạt và tính thanh khoản của một loại chứng khoán, tăng khả năng thực hiện giao dịch của chứng khoán đó và nhờ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với chứng khoán đó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư theo giá trị. Thông thường, ở các thị trường quốc tế, tỷ trọng nhà đầu tư chuyên nghiệp nhiều thì mặt bằng giá trị được xác lập về cơ bản là phù hợp với chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ dẫn dắt thị trường theo một quỹ đạo phát triển bền vững. Nếu như chưa có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, mặt bằng giá có thể biến động mạnh theo hiệu ứng phong trào.

Việc có các nhà tạo lập thị trường sẽ làm giảm bớt hiệu ứng này, phần nào có thể giúp cơ chế tự điều tiết (cơ chế bình ổn giá) của thị trường hoạt động tốt hơn.

Ngoài ra, việc triển khai cơ chế tạo lập thị trường cũng từng bước giúp các công ty chứng khoán định hình rõ hơn nghiệp vụ lõi của mình. Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán sẽ được định hướng nhiều hơn, đậm nét hơn theo thông lệ quốc tế là chức năng cung cấp dịch vụ tạo lập thanh khoản, tạo lập thị trường, thay vì chỉ tập trung vào đầu tư sinh lợi nhuận (vai trò của các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư tổ chức khác).

Điều này vừa giảm rủi ro cho bản thân các công ty chứng khoán, mặt khác làm tăng hiệu quả hoạt động của thị trường (giảm chênh lệch giá mua - bán cũng như giảm dần tình trạng bất đối xứng thông tin).

Có ý kiến cho rằng, hình thái nhà tạo lập thị trường không chỉ thúc đẩy sự sôi động của TTCK, mà quan trọng hơn là tạo nên cơ chế minh bạch quan hệ “đỡ giá” ngầm giữa công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đây cũng là một quan điểm. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, mục tiêu của hoạt động tạo lập thị trường là tạo thanh khoản, chứ không tạo giá. Có nghĩa là, nhà tạo lập sẽ đáp ứng yêu cầu mua từ nhà đầu tư muốn bán và ngược lại, bán chứng khoán để đáp ứng nhu cầu mua của thị trường, từ đó giảm bớt khoảng cách chênh lệnh giữa giá mua và giá bán trên thị trường, đồng thời tác động tích cực tới tính ổn định của thị trường.

Về nguyên tắc, các mức giá này đã có trên thị trường, nhà tạo lập chỉ làm giảm khoảng cách giữa chúng mà thôi. Nhà đầu tư, chuyên gia cũng có thể tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu về hoạt động tạo lập thị trường trên mạng.

Một trong những nội dung hay được các nhà nghiên cứu khoa học quan tâm, đó là vai trò và hiệu quả của hệ thống tạo lập thị trường đối với tính ổn định của thị trường.

Ngoài ra, theo Quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường tại HNX, giao dịch tạo lập thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành như các giao dịch thông thường khác.

Bản chất của giao dịch tạo lập thị cũng là giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Do vậy, giao dịch tạo lập thị trường phải tuân thủ Khoản 3b, Điều 70, Nghị định 58 – Các giao dịch bị cấm đối với công ty chứng khoán.

Đồng thời, giao dịch tạo lập thị trường cũng phải tuân thủ các quy định đối với giao dịch tự doanh tại Điều 53, Thông tư 210/2012/TT-BTC về hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán.

Theo thống kê của các công ty chứng khoán, trên HNX hiện có gần 50% cổ phiếu của doanh nghiệp thường xuyên không có giao dịch. Quy chế về nhà tạo lập thị trường có thể thay đổi hiện trạng giao dịch không, thưa ông?

Thực ra, đây chỉ là giải pháp bổ sung và hiệu quả của giải pháp này cũng sẽ chỉ phát huy tác dụng đối với một số cổ phiếu của các tổ chức phát hành có các nhà tạo lập thị trường. Để thị trường có thanh khoản thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tốt khác, trong đó căn bản nhất vẫn là hiệu quả hoạt động của chính tổ chức phát hành.

Nếu như tổ chức phát hành kinh doanh có lợi nhuận, hoạt động minh bạch, có tình hình quản trị công ty tốt, sẽ đem lại lợi ích cốt lõi cho nhà đầu tư và cũng là giải pháp tạo thanh khoản tốt nhất cho thị trường.

Tạo lập thị trường và các giải pháp tạo thanh khoản khác chủ yếu nhằm hoàn thiện cơ chế hoạt động của thị trường, làm tăng cơ chế tự điều tiết của thị trường, giúp loại bỏ bớt các tác nhân khiến thị trường vận hành thiếu ổn định, mà không cần sử dụng tới các giải pháp hành chính. Chúng tôi nghĩ rằng, cơ chế này đã vận hành tốt trên các thị trường quốc tế, thì về lâu dài, cũng sẽ phát huy tác dụng tại Việt Nam.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động tự doanh của khối công ty chứng khoán chủ yếu dựa trên nền tảng hoạt động tạo lập thị trường, chứ không phải dựa trên hoạt động đầu tư mà các công ty đang làm hiện nay. Ông có kỳ vọng cơ chế tạo lập thị trường thay đổi dần phương thức hoạt động của các CTCK trong thời gian tới?

Các sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới như sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, Sở Giao dịch chứng khoán New York, Sở Giao dịch chứng khoán London hay Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt… đều có hệ thống các nhà tạo lập thị trường. Đặc biệt, tại sàn NASDAQ, mỗi cổ phiếu thường có nhiều hơn một nhà tạo lập thị trường và trung bình mỗi cổ phiếu trên sàn này có 14 nhà tạo lập thị trường.

Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán là khi các công ty chứng khoán sử dụng nguồn vốn của chính mình để thực hiện các giao dịch tài chính nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Từ trước tới nay, hoạt động tự doanh của CTCK chủ yếu tập trung vào việc giao dịch mang tính đầu tư, nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ giá chứng khoán hoặc từ cổ tức của các chứng khoán đầu tư dài hạn. Đây có lẽ là hoạt động của các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tổ chức, ví dụ như các quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán như công ty chứng khoán, thì hoạt động tự doanh còn phải mang ý nghĩa xã hội và vì thị trường hơn.

Có nghĩa là, tự doanh nên được phát triển thêm một khía cạnh nữa, đó là cung cấp dịch vụ tạo lập thanh khoản cho thị trường, giúp các nhà đầu tư và tổ chức phát hành gần nhau hơn, giúp cải thiện chức năng tự điều tiết của thị trường.

Tin bài liên quan