Lãnh đạo Samsung Việt Nam trực tiếp thăm và đánh giá kết quả thực hiện dự án tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãnh đạo Samsung Việt Nam trực tiếp thăm và đánh giá kết quả thực hiện dự án tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Chuỗi cung ứng dịch chuyển, cơ hội cho doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ cao tìm đến Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, nhưng điều quan trọng là làm sao để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ.

“Cú hích” Samsung

Ít ngày trước, Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương khởi động dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2 năm 2022 cho 12 doanh nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.

Hoạt động này nằm trong khung khổ Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh, được Samsung phối hợp với Bộ Công thương thực hiện, với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng nhà máy thông minh trong 2 năm 2022 - 2023.

“Samsung hy vọng rằng, dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung, mà cả mạng cung ứng toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.

Ông Choi Kyoung Soo, Tổng giám đốc Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Ông Choi Kyoung Soo, Tổng giám đốc Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Trên thực tế, từ năm 2015, Samsung đã phối hợp với Bộ Công thương để thực hiện chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt. Sau đó, từ năm 2018, Samsung tiếp tục cùng Bộ Công thương hỗ trợ đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đồng thời thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo cho khoảng 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 - 2023.

Nhờ sự nỗ lực này, qua nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Nếu như năm 2014, con số chỉ là 4 doanh nghiệp, thì đến cuối năm 2021, tổng số nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung là 254 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 51 doanh nghiệp.

“Trên nền tảng triết lý kinh doanh đồng thịnh vượng, Samsung sẽ tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước có thể cùng phát triển, được mở rộng thêm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Choi Kyoung Soo, Tổng giám đốc Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo chuyên đề “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, diễn ra tuần trước. Đây là một hoạt động hướng tới Diễn đàn Đa phương MSF 2022, do Samsung khởi xướng.

Cũng tại hội thảo chuyên đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng cấp cao về hỗ trợ đối tác, Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam cho biết, hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh chính là cách để Samsung hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp giá trị cao.

“Ở Hàn Quốc, việc phát triển các nhà máy thông minh có thể giúp tăng năng suất 30%, giảm chi phí 23%, cải tiến chất lượng 30%, giảm thời gian giao hàng 27%...”, bà Hằng nói và một lần nữa nhấn mạnh việc Samsung sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Những thông tin này ngay lập tức nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử.

“Không ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình hỗ trợ của Samsung đã trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Sự hỗ trợ này đã giúp các doanh nghiệp vững vàng lên rất nhiều. Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng như Samsung”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói.

Cơ hội nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Xu thế hiện nay cho thấy, ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn Việt Nam là điểm đến. Đó là lý do vì sao, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2020, với tốc độ bình quân 23,8%/năm. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2022, con số ước tính đã lên tới gần 90 tỷ USD, chiếm hơn 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

“Nhưng phần lớn sự đóng góp này thuộc về các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng là phải làm sao để ngày càng có nhiều hơn nữa doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp này. Như vậy mới tối đa hóa được lợi ích của dòng vốn FDI”, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nói.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo chuyên đề Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo chuyên đề Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, ông Phạm Thanh Tùng, Phòng Công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp) thông tin, hiện mới chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 88% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Các doanh nghiệp này đã phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu các loại nguyên, phụ liệu ra nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật”, ông Tùng nói và cho biết thêm, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Thậm chí, một khảo sát của Bộ Công thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy, với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh.

“Đa số doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh”, ông Tùng nhận xét.

Với thực tế như vậy, không đơn giản để các doanh nghiệp Việt có thể tham gia và từng bước nâng tầm vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là lý do khiến bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI tin rằng, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ kết nối và nâng cao năng lực một cách bài bản, chiến lược và dài hạn cho các doanh nghiệp đối tác trong nước như Samsung.

Theo bà Lan Anh, VCCI và Samsung đang hợp tác để nghiên cứu về năng lực động trong tham gia chuỗi của doanh nghiệp Việt Nam, dự kiến công bố vào ngày 19/10 tới tại Diễn đàn Đa phương MSF 2022.

“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang chịu sự thử thách rất lớn, làm sao để họ giữ vững được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu? Làm sao để xác định được họ cần thay đổi thế nào để không bị ‘văng’ khỏi chuỗi cung ứng? Nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp nhìn rõ hơn năng lực động của các doanh nghiệp, từ đó các ngành, các cấp có thể xây dựng lộ trình phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Lan Anh chia sẻ.

Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, bất cứ doanh nghiệp nào, ở đâu, đều có thể tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, nếu như doanh nghiệp đó có khả năng cạnh tranh về công nghệ, chất lượng. Samsung cũng đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để nội địa hóa các linh phụ kiện nhằm tiếp tục tìm nguồn cung ứng từ các công ty trong nước.

“Các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng, đặc biệt là doanh nghiệp Âu - Mỹ, thường có các bộ chỉ số rất nghiêm ngặt về chất lượng, về năng lực, công nghệ, tài chính… Muốn tham gia được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí này”, bà Đỗ Thị Thúy Hương nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Paul Weijers, Cố vấn cấp cao Dự án LinkSME khuyến nghị, để kết nối được với doanh nghiệp đầu cuối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, các doanh nghiệp Việt phải đảm bảo một cách xuyên suốt, ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời làm sao để đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế.

“Vấn đề giá cũng cần được tính toán kỹ, nhiều khi chúng ta thường định giá hơi cao các sản phẩm của mình”, ông Paul Weijers nói.

Một cách rất rõ ràng, muốn nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất thiết phải xây dựng được nền tảng vững chắc của ngành công nghiệp, mà trước hết là công nghiệp hỗ trợ. Muốn vào được chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt này. Bởi vậy, không còn cách nào khác, cùng với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ, sự hỗ trợ, dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu chuỗi, bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Lúc ấy, cuộc chơi giữa các doanh nghiệp nội - ngoại mới thực sự “win-win”.

Diễn đàn Đa phương MSF 2022 là diễn đàn thường niên do Samsung khởi xướng, được tổ chức vào ngày 19/10/2022 với chủ đề: “Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát”.

Diễn đàn sẽ bao gồm chuỗi các hoạt động tham vấn, nghiên cứu và hội thảo chuyên đề gắn kết với nhau trong một mạch xuyên suốt, nhằm giúp các bên tiến gần hơn tới lời giải cho câu hỏi: “Việt Nam sẽ hiện thực hóa cơ hội nâng tầm vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách nào?”.

Bên cạnh nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo, tăng cường kết nối chuỗi, thì trách nhiệm tra soát của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng là một chủ đề mới mẻ mà mọi doanh nghiệp tham gia chuỗi cần sớm tiếp cận và bắt tay vào thực hiện.

Tin bài liên quan