Nhóm khách hàng trẻ thích công nghệ là đối tượng chính của bảo hiểm “ngách”. Ảnh: Dũng Minh

Nhóm khách hàng trẻ thích công nghệ là đối tượng chính của bảo hiểm “ngách”. Ảnh: Dũng Minh

Chuyện của bảo hiểm “ngách”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí đầu tư cao, rủi ro cũng không ít, trong khi doanh thu hàng năm thấp, vậy mà nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ vẫn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm “ngách”.

Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chỉ trong 1 tháng qua cho ra mắt tới 3 sản phẩm với tính cá nhân hóa cao gồm Bảo hiểm Trời mưa - chi trả bồi thường cho chi phí cước xe công nghệ tăng khi trời mưa; Bảo hiểm JupViec Care - chi trả bồi thường cho các tai nạn phát sinh với mức phí được chia nhỏ theo hình thức trả góp, mỗi lần chỉ từ 2.000-5.000 đồng; Bảo hiểm Mua hàng chính hãng - chi trả 100% giá trị công bố của hàng hóa cho khách hàng khi có bất kỳ hành vi tấn công, truy cập trái phép hay giả mạo giải pháp tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ (TrueData) hoặc khi xảy ra lỗi hệ thống, lỗi vận hành và lỗi bảo mật của TrueData khiến người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái.

Bảo hiểm BIDV (BIC) và Bảo hiểm Quân đội (MIC) cùng lúc tung ra sản phẩm Bảo hiểm An ninh mạng - chi trả cho những tổn thất tài chính liên quan đến rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch tài chính online. Trước đó, BIC từng đưa ra thị trường sản phẩm tương tự là bảo hiểm truy xuất nguồn gốc dữ liệu hàng hóa chính hãng...

Một lợi thế của doanh nghiệp phi nhân thọ là khi triển khai những sản phẩm bảo hiểm không liên quan đến con người thì không phải xin cấp phép, nên việc phát triển sản phẩm sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Điểm chung của dòng sản phẩm được xem là bảo hiểm “ngách” là mức phí rất nhỏ, thường được chia theo từng lần sử dụng và quy trình bồi thường được ứng dụng công nghệ 100% nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng. Chính vì vậy, doanh thu của các sản phẩm này thường rất thấp, mỗi năm chưa đến một tỷ đồng. Trong khi đó, để đưa được một sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều nguồn lực, từ thời gian, tài chính đến nhân sự, công nghệ...

Đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ từng phát triển bảo hiểm “ngách” cho hay, trước khi sản phẩm bảo hiểm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp thường trải qua 3 giai đoạn. Một là nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mới cho phù hợp với nhu cầu của nhóm khách hàng “ngách”. Hai là hoàn thành các thủ tục xin cấp phép với Bộ Tài chính (nếu liên quan đến bảo hiểm con người) và các giấy tờ liên quan đến quy tắc, quy định của bảo hiểm. Ba là ứng dụng công nghệ thông tin cho sản phẩm, từ khâu bán hàng đến việc yêu cầu chi trả bồi thường, cũng là bước tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất.

Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital cho biết, việc sử dụng công nghệ là “yêu cầu bắt buộc” đối với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô, bởi mức phí bảo hiểm của dòng sản phẩm này thường rất nhỏ, nếu không ứng dụng công nghệ để tiết giảm chi phí trong các khâu thì không thể đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.

“Mặc dù trong giai đoạn đầu chi phí đầu tư cho công nghệ sẽ khá lớn, nhưng về lâu dài sẽ tối ưu được các nguồn lực”, bà Yến nói.

Cũng theo vị đại diện này, đầu tư vào các sản phẩm “ngách” là một sự đầu tư lâu dài, là “cuộc chơi” của những công ty có tiềm lực tài chính mạnh. Doanh nghiệp nhỏ, vốn mỏng, muốn ghi nhận nguồn doanh thu bù đủ chi ngay trong giai đoạn đầu triển khai sản phẩm khó tham gia vào thị trường này.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Yến cho hay, trong giai đoạn đầu triển khai, doanh nghiệp chủ yếu là tạo thói quen, từng bước “tạo dựng” nhu cầu bảo hiểm cho khách hàng. Sau khi khách hàng đã quen với sản phẩm, có nhu cầu sử dụng nhiều hơn thì lúc đó mới là thời điểm tăng doanh thu nhờ bán kèm với gói dịch vụ của doanh nghiệp khác (B2B).

Chẳng hạn, thời gian đầu triển khai sản phẩm Bảo hiểm Trễ hủy chuyến bay, PTI chỉ thu về gần 1 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, khi nhu cầu mua sản phẩm này gia tăng, PTI đã kết hợp với các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air… nhằm gia tăng doanh thu sản phẩm này.

Tiềm năng của dòng sản phẩm bảo hiểm “ngách” là không thể phủ nhận, nhất là với nhóm khách hàng trẻ vốn rất ưa chuộng những sản phẩm, dịch vụ có tích hợp công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sân chơi này chỉ dành cho những nhà bảo hiểm “chịu chi” và phục vụ mục đích dài hạn, chờ đợi gặt hái “trái ngọt” trong tương lai, hoặc chấp nhận lỗ và coi đây là một cách làm thương hiệu.

Tin bài liên quan