Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tạo ra đột phá

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tạo ra đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi dịch bệnh ảnh đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu về chuyển đổi số đang đi rất nhanh và là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển.

Sáng ngày 27/8, hội thảo trực tuyến “Giải pháp thực tiễn hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá: “Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu doanh nghiệp phải thoát ly khỏi nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, đây chính là thời điểm giúp các doanh nghiệp nhận ra được tầm quan trọng của chuyển đổi số để ứng phó với những thách thức trước mắt và chuẩn bị cho tương lai lâu dài.”

Cũng theo ông Phòng, để thực hiện việc chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải để ý đến bài toán ngân sách chuyển đổi số, chấp nhận thay đổi quy trình hệ thống và nhân sự, đòi hỏi một ngân sách đủ lớn để thực hiện đồng bộ, toàn diện, không chắp vá.

Mặt khác, chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng về công nghệ mà còn là bài toán khó về con người, cho dù doanh nghiệp sở hữu một hệ thống tiên tiến, hiện đại, nhưng tư duy lối mòn sẽ là rào cản khiến công nghệ không được triển khai triệt để và ứng dụng hiệu quả.

Lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp cũng là thách thức lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Để thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và lượng hóa tiêu chí để có thước đo rõ ràng nhất.

Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Đến nay, chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng 4.0 với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), blockchain…

“Những thay đổi công nghệ này có tác động to lớn đến doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số được định hình là việc kiến tạo mô hình kinh doanh mới, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, giải quyết bài toán cho doanh nghiệp và xã hội”, ông Khương đánh giá.

Chuyển đổi số có thể đóng góp 24 - 30 tỷ USD vào GDP vào năm 2024. Tuy nhiên, tại Việt Nam, còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường, còn theo lối tư duy cũ.

Phần lớn các doanh nghiệp thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh cho phép chuyển đổi số; thiếu tư duy về kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa doanh nghiệp; mô hình chuyển đổi số không phù hợp; thiếu cam kết của lãnh đạo và nhân sự…

Theo ông Khương, chuyển đổi số gồm có 3 cấp độ là số hóa dữ liệu, số hóa ứng dụng, quy trình - chuyển đổi số. Cho đến nay, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở cấp độ số hóa dữ liệu, tức là hình thức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản hệ thống bên ngoài thành những dữ liệu dạng tín hiệu số được máy tính hiểu và lưu trữ.

“Cộng động doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược chuyển đổi số phù hợp, thúc đẩy năng lực chuyển đổi số để hướng tới phát triển sản xuất thông minh”, ông Khương nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường, còn theo lối tư duy cũ

Ông Nguyễn Trung Kiên, Quản lý cấp cao kênh đối tác Microsoft Việt Nam thông tin rằng đến năm 2026, trên toàn cầu sẽ có 70% doanh nghiệp áp dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra quyết định về mặt sản xuất. 90% các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng đầu tư vào công nghệ để cải thiện quy trình nghiệp vụ. 30% doanh nghiệp sẽ đầu tư vào công nghệ trên nền tảng số để quản lý.

Định hướng cho doanh nghiệp chuyển đổi số

Các chuyên gia nhận định, mặc dù Covid-19 đang đóng băng ngành sản xuất, song nhu cầu chuyển đối số đang đi rất nhanh, là bước đầu tiên giúp các nhà sản xuất có thể phục hồi sau thảm họa cũng như định hình lại tương lai.

Theo đó, các doanh nghiệp phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi cách thức nhân viên giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.

Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động.

Bên cạnh đó, chú trọng việc kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing. Ví dụ như thiết lập các trợ lý ảo giúp kết nối với khách hàng trên nền tảng số, các dịch vụ hỗ trợ từ xa và bán hàng trực tuyến.

Cuối cùng, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, trong đó cần thiết lập những đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ. Đặc biệt là đổi mới và tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt

Trước thực tế đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất cho doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tin bài liên quan