Lãnh đạo FPT hướng dẫn nhà đầu tư tham quan doanh nghiệp

Lãnh đạo FPT hướng dẫn nhà đầu tư tham quan doanh nghiệp

Chuyển động tích cực của những cổ phiếu dẫn đầu

(ĐTCK) VN-Index đang trên đường chinh phục mức đỉnh đạt được hồi tháng 3 năm nay, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn ở mức rất thấp, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội với chứng khoán.
Theo khuyến nghị của giới phân tích, cổ phiếu đầu ngành vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt bởi phần lớn đều đang được định giá thấp hơn nội tại

Tăng nóng…

Trong số 30 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường trong vòng 1 tháng trở lại đây, có nhiều blue-chip như FPT, GAS, PVD, VIC. Đây đều là cổ phiếu của những DN có vị thế đầu ngành, dù bước giá tăng mạnh thời gian qua, vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao và khuyến nghị đưa vào danh sách xem xét đầu tư.

GAS trong 12 tháng qua tăng gần 60%, hiện đạt thị giá tới 113.000 đồng/CP. Tính theo kỳ 12 tháng, 6 tháng, 3 tháng và 1 tháng, GAS đều có xu hướng tăng giá. Cổ tức hàng năm ở mức cao, tiền mặt dồi dào khiến cho cổ phiếu này dù đã vượt giá kỳ vọng là 98.000 đồng/CP theo tính toán của một số CTCK, vẫn được khuyến nghị nên xem xét đầu tư.

Thanh khoản gần đây tăng mạnh, FPT đã vượt qua các blue-chip khác, lọt vào top 5 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường. Thống kê cho thấy, mức tăng trưởng về giá trong 1 năm qua của FPT đạt 62%, thanh khoản trung bình ngày trong vòng 1 tháng trở lại đây đạt gần 80 tỷ đồng. Xu hướng giá theo tuần, theo tháng gần nhất đều tăng.

VNM dù đang thực hiện chiến lược vì thị phần hy sinh lợi nhuận, song theo ước tính của các CTCK, quý II năm nay, Công ty vẫn có mức doanh thu rất cao, ước đạt 9.191 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý II ước đạt 1.617 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 3.004 tỷ đồng. Mức giá đóng cửa phiên giao dịch gần nhất đạt 139.000 đồng/CP vẫn thấp hơn giá mục tiêu là 144.000 đồng/CP mà giới phân tích đưa ra.

Các cổ phiếu như VIC, DHG, BMP, HPG vốn dẫn đầu trong các ngành như bất động sản, dược, nhựa xây dựng, thép… đều có xu hướng giá tích cực, tương ứng với hoạt động doanh nghiệp tiếp tục có nhiều tiến triển trong 6 tháng đầu năm.

Đề cập đến triển vọng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường còn rất lớn bởi chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn các thị trường châu Á khoảng 25 - 30% dựa trên định giá P/E (13-14x so với 18-19x). “Chúng tôi vẫn luôn tìm cơ hội đầu tư thêm vào các công ty có nền tảng cơ bản tốt ở mức giá hợp lý”, ông Andy Ho cho biết.

… nhờ chuyển động doanh nghiệp

Duy trì kết quả kinh doanh tốt, có vị thế lớn trong ngành và triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới là công thức chung dẫn tới thành công của những cổ phiếu dẫn đầu. Diễn biến giao dịch cổ phiếu FPT như đã đề cập ở trên là một ví dụ. Trong bản tin của các CTCK gửi tới nhà đầu tư gần đây, FPT được nhắc đến khá nhiều. Có lẽ những chuyển động trong hơn một năm trở lại đây của doanh nghiệp đã tạo ra sức hút cho mã cổ phiếu công nghệ này.

Theo nhận xét của giới phân tích, nếu tìm kiếm một cơ hội đầu tư chắc chắn trong thời điểm này (cổ phiếu vừa có khả năng lướt sóng, vừa phù hợp đầu tư giá trị), FPT là một sự lựa chọn. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức có khuynh hướng mua bán ngắn hạn cũng thể hiện sự quan tâm đến cổ phiếu này. Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC mới đây công bố mua được 827.000 cổ phiếu FPT trên tổng lượng đăng ký là 1 triệu cổ phiếu, trị giá 39 tỷ đồng. Khác với công ty mẹ là SCIC, SIC có mục đích đầu tư hiệu quả, tức là có thể mua bán liên tục trên thị trường nhằm đạt lợi nhuận cao nhất có thể. Không nhiều mã đáp ứng đủ tiêu chí của một nhà đầu tư kỹ tính như SIC bởi ngoài FPT, SIC chỉ đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu VNM.

Xét về các chỉ số tài chính, cổ phiếu FPT có nhiều tiềm năng tăng giá. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn đạt doanh thu 15.211 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.040 tỷ đồng, tương đương 98% so với cùng kỳ năm 2013. Với mức giá hiện nay, tức là sau khi tăng giá tới 62% trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu FPT cũng chỉ có P/E ở mức 10 lần, thấp hơn P/E chung của toàn sàn HOSE. So với các cổ phiếu công nghệ trong khu vực, theo một tính toán của CTCK VPBS, mức P/E trung bình của gần 20 công ty lớn lên tới 52 lần. Điều này cho thấy, FPT đang được định giá thấp hơn nhiều so với các công ty khác trong khu vực. Mức giá kỳ vọng với FPT được nhiều CTCK đưa ra cao hơn từ 20 - 40% so với thị giá hiện nay.

Thực tế TTCK Việt Nam trong 2 năm trở lại đây cho thấy, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành luôn có sức hấp dẫn nhất, điều này lý giải vì sao giá nhiều cổ phiếu đã tăng nhưng vẫn tiếp tục đi lên. 

Bình luận về định hướng phát triển dài hạn của FPT, CTCK Bảo Việt đánh giá cao chiến lược toàn cầu hóa. Thời điểm này, có thể thấy FPT đang đi đúng hướng. Doanh thu từ toàn cầu hóa đạt 1.484 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu toàn cầu hóa đạt 340 triệu USD vào năm 2016.

Bên cạnh đó, định hướng M&A của FPT cũng đã có những tín hiệu tốt với thương vụ mua lại RWE IT Slovakia và sàn thương mại điện tử 123mua.vn. Đây có thể là những nhân tố tạo động lực tăng trưởng mới cho FPT.

Một điểm đáng chú ý khác là FPT đã chủ động tham gia vào xu hướng công nghệ S.M.A.C tiên phong trên toàn cầu, thay vì đi sau như nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam thường làm. Công tác nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn trong những năm gần đây đều tập trung vào các cơ hội khai thác thương mại dựa trên nền tảng này. Thị trường của S.M.A.C theo các hãng nghiên cứu thị trường như Gatner, IDG có tiềm năng hàng nghìn tỷ USD. Bởi vậy, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của FPT trong tương lai.

Tin bài liên quan