Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy: Cùng hành động “để Việt Nam tốt đẹp hơn mỗi ngày”

Quan niệm làm ở đâu, làm cho ai chỉ là phương tiện, công cụ để thực hiện mục đích cuộc đời mình, chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy chia sẻ, chị đang tiệm cận ngưỡng “làm như chơi”, và luôn có cảm hứng làm việc với mong muốn đất nước Việt Nam tốt lên mỗi ngày.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy.

Doanh nghiệp phải hiểu rõ lợi thế của mình

Từng tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam/ASEAN là thành viên, điều chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy vẫn luôn trăn trở chính là các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ khả năng và lợi thế của mình để tham gia hiệu quả nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu với sự trợ giúp của các FTA.

Là người trong cuộc, đánh giá một cách thực tế nhất, chị thấy doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội như thế nào với các FTA?

Theo quan sát của tôi, lợi nhuận nhiều nhất ít khi thuộc về nhà sản xuất, mà về nhà thương mại. Vì vậy, doanh nghiệp phải tạo ra một thương hiệu với chất lượng khác biệt, dù đó là sản phẩm nhỏ nhất. Có thương hiệu thì mới tạo ra tiền.

Bởi vậy, từng doanh nghiệp phải hiểu rõ mình giỏi nhất cái gì và tập trung vào phát huy, chuyên sâu điểm mạnh ấy để có sáng tạo và đột phá, chứ đừng chỉ chăm chăm làm rập khuôn những người đi trước, rồi cố đưa ra lợi thế giá rẻ hơn để cạnh tranh.

Khi anh có sản phẩm chất lượng và độc đáo, người mua vẫn tìm tới.

Từng là nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, tỷ phú Barry Lam - Chủ tịch Quanta là ví dụ. Ông ấy không chỉ dừng lại ở vị trí người gia công máy tính theo khái niệm thông thường của những năm 60 -70 thế kỷ trước, mà đã vượt lên để cung cấp các giải pháp như dịch vụ web, các dịch vụ liên quan tới mobile cho nhiều ông lớn khác. Như vậy, điểm xuất phát là gia công sản phẩm sẵn có theo đơn hàng, nhưng trong quá trình làm, họ liên tục cải tiến và làm cho sản phẩm hiệu quả hơn, tốt lên, đa năng hơn. Nhờ đó, dù ở vị trí gia công khi khởi nghiệp, nhưng các thương hiệu máy tính lớn phải tìm tới Barry Lam chứ không phải người khác.

Trên cơ sở đàm phán các FTA và học hỏi được nhiều từ các đồng nghiệp cũng như doanh nghiệp các nước đối tác, tôi thấy doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ ràng về lợi thế của mình trong chuỗi sản xuất - dịch vụ toàn cầu là gì? Nên tham gia vào đâu để làm tốt nhất và có hiệu quả nhất, thay vì phải làm sở đoản của mình.

Một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thứ hạng cao về xuất khẩu trên thế giới, điều này có đồng nghĩa với việc chúng ta đã tận dụng tốt được các FTA không, thưa chị?

Việt Nam là cường quốc xuất khẩu điều, nhưng điều nguyên liệu của Việt Nam chỉ đáp ứng được một nửa thôi, nửa còn lại đến từ các nước khác, trong đó châu Phi (Bờ Biển Ngà) là chủ yếu.

Chúng ta phải nhận thức là không có gì đáng ngượng nếu nhập khẩu điều châu Phi - vùng sản xuất điều lớn nhất thế giới. Sản lượng điều của châu Phi lớn nhưng họ lại hầu như không có FTA với một vùng nào, thì làm sao được hưởng ưu đãi khi thâm nhập vào vào các thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ.

Việt Nam mua điều châu Phi là hết sức bình thường, sau đó chúng ta có quá trình gia công chế biến và tạo thêm giá trị tại Việt Nam, đóng bao bì đẹp, xuất đi và được hưởng lợi nhuận tốt, thì Việt Nam đã đạt được ngưỡng trở thành cường quốc xuất khẩu điều.

Khi mình ra thế giới, người tiêu dùng có thể nghĩ sản phẩm này là của Việt Nam, mà thực ra thì nguyên liệu đó có thể có xuất xứ từ nơi khác. Nhưng cần phải hiểu rằng, nguyên liệu (một phần) tuy là của nơi khác, nhưng công nghệ sàng lọc, tuyển chọn, rang sấy là của Việt Nam, bao bì đẹp là của Việt Nam và giá trị gia tăng ở lại với người Việt Nam là nhiều, còn nguyên liệu thô chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong chuỗi giá trị mà thôi.

FTA là nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước mình bán được càng nhiều hàng càng tốt, đồng thời mua được nhiều hàng với giá và chất lượng tốt từ các đối tác FTA, nên trong quá trình đàm phán, cá nhân tôi và các đồng nghiệp luôn nghĩ về lợi ích của doanh nghiệp Việt. Song hưởng lợi cao hay thấp lại tuỳ thuộc vào trình độ của từng doanh nghiệp.

Cũng có nhiều doanh nghiệp than phiền là FTA không mang lại lợi ích cho họ. Điều này do doanh nghiệp chưa hiểu rõ các điều khoản để tận dụng, hay do không có năng lực để tận dụng các FTA?

FTA giúp tối ưu hoá chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và mình có thể nhảy vào chuỗi đó thông qua công đoạn nào mà mình tự tin sẽ làm tốt hơn các đối thủ.

Vẫn lấy mặt hàng điều làm ví dụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt được đàm phán trong một số FTA sau này cho phép điều thô xuất xứ từ một số nơi thì vẫn xuất khẩu được sang các nước có FTA với Việt Nam và hưởng ưu đãi thuế, trong khi các FTA trước đó chỉ cho phép dùng điều thô Việt Nam mới được hưởng ưu đãi FTA. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tính toán và tận dụng.

Nơi nào quy định điều thô xuất xứ Việt Nam thì dùng nguyên liệu Việt Nam, còn nơi nào linh hoạt được thì dùng điều thô nhập. Dĩ nhiên vẫn có những khách hàng chấp nhận và sẵn sàng mua với mức thuế cao vì chất lượng cao, dù không có ưu đãi thuế FTA.

Trường hợp khác là tôm. Việt Nam hiện nằm trong nhóm cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới và đang muốn vươn lên các thứ hạng cao hơn nữa.

Nhưng cũng như điều, trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm từ Việt Nam hiện cũng có nhiều tôm nguyên liệu nhập khẩu. Chúng ta nhập khẩu tôm nguyên liệu từ hơn 50 nước, chủ yếu là Ấn Độ, mà nếu Ấn Độ xuất khẩu trực tiếp sang một số nước thì không có ưu đãi, nên thuế thường cao. Còn Việt Nam do có ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với EU và có ưu đãi thuế trong một số FTA nên tôm Việt Nam vào được các thị trường này với thuế thấp, trong khi không có xuất xứ Việt Nam thì thuế cao hơn nhiều lần.

Điều khó nhất là không ai đảm bảo hay chắc chắn rằng, trong những lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam có lẫn nguyên liệu bị phối trộn hay không. Vậy nên, với tôm, chúng ta nên đi theo hướng phát triển thương hiệu tôm thành phẩm của Việt Nam và đã có những doanh nghiệp Việt Nam tạo ra được thương hiệu của riêng mình. Làm được điều đó, các nhà nhập khẩu thế giới sẽ quan tâm tới việc mua thành phẩm vì đó là sản phẩm từ Việt Nam, chứ không phải vì quan tâm đến xuất xứ của nguyên liệu tại Việt Nam.

Khi người mua có niềm tin về sản phẩm Việt Nam, chính họ sẽ giới thiệu về thị trường Việt Nam trên các hội chợ lớn toàn cầu.

Năm qua, kinh tế toàn cầu nổi bật câu chuyện thương chiến Mỹ - Trung. Nhiều người nói đây là cơ hội để các nhà mua hàng Mỹ sang Việt Nam. Là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, chị thấy nhận xét này thế nào?

Có câu chuyện thực tế về một số tập đoàn lớn đã được Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN thuyết phục lựa chọn Việt Nam là cứ điểm mua hàng. Chúng tôi không thuyết phục lãnh đạo các tập đoàn đến Việt Nam chỉ vì cạnh tranh Trung - Mỹ. Bản thân chúng ta cũng phải thấy rằng, để bán được hàng thì không chỉ có tác động của cạnh tranh Mỹ - Trung, mà còn phải chịu cạnh tranh của nhiều cực khác trên thế giới.

Vì vậy, việc của mình là phải thích ứng với sự thay đổi, phải tạo ra cái riêng có, đặc biệt, để trong bối cảnh nào cũng đứng vững và sống khoẻ, chứ không phải ngồi chờ nhân sự vụ nào đó thì mình mới được các nhà mua hàng để mắt tới.

Chúng tôi cũng thuyết phục các tập đoàn lớn về nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt bỏ hẳn một số quy định hoặc không ban hành quy định gây khó, chứ không chỉ dừng ở việc cải cách thủ tục hành chính. Lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng: “Nhập khẩu vàng thì không tốt cho kinh tế vĩ mô, nhưng nhập khẩu vàng như cách thể thao Việt Nam đã làm vừa qua thì quả là tuyệt vời. Chúng tôi mong Việt Nam sẽ có thêm nhiều vàng (huy chương) không chỉ trong thể thao, mà còn trong những lĩnh vực khác. Thành công của Việt Nam là thành công của chúng tôi”.

Khởi nghiệp: “Tiêu chí, điều kiện” thành “quy định

Với kiến thức và thực tế khi tham gia đàm phán FTA và hiện là Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, Kim Thùy cũng là mục tiêu săn đón của nhiều cuộc thi khởi nghiệp cho giới trẻ với vị trí giám khảo. Đánh giá cao nhiều bạn trẻ đạt được những doanh số rất tốt chỉ sau một thời gian ngắn khởi nghiệp, điều chị mong chờ nhất chính là các doanh nghiệp trẻ trụ vững và lâu dài với thương trường.

Ấn tượng nhất của chị về các bạn trẻ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp là gì?

Trong cuộc thi khởi nghiệp mới đây, từ 400 hồ sơ ban đầu, ban tổ chức đã chọn được 15 hồ sơ vào shortlist và sau đó là top 5.

Điểm tôi và Hội đồng nhận thấy rõ là chưa có một ai thật sự nổi bật, khiến Ban Giám khảo phải dồn toàn bộ sự chú ý.

Trong top 5 cuộc thi, có một start-up về cung cấp phần mềm ứng dụng cho các nhà thuốc kết nối và truyền số liệu về Bộ Y tế. Phần mềm này hiện được khoảng 1.500 nhà thuốc sử dụng. Đây là một con số rất ấn tượng với một công ty, nhưng tôi cho rằng, lẽ ra bạn ấy có thể có số lượng khách hàng nhiều hơn vì bạn đã làm cho một tiêu chí trở thành một quy định.

Bộ Y tế ra quy định, để có thể trở thành nhà thuốc thì phải ứng dụng công nghệ này để giám sát được nguồn gốc thuốc, không tạo cơ hội để thuốc giả, thuốc kém chất lượng trà trộn, gây hại cho người sử dụng và các bạn đã tận dụng được điều này để khởi nghiệp thành công.

Một trong những cách để các start-up hay các công việc kinh doanh có thể thành công chính là “thuyết phục” Chính phủ, khu vực công ra những điều kiện, tiêu chí và chuyển hóa điều đó trở thành quy định bắt buộc mà có lợi cho xã hội, như quy định về điều kiện trở thành nhà thuốc nói trên.

Vậy lời khuyên của chị cho các bạn trẻ khi khởi nghiệp là gì?

Qua các cuộc thi khởi nghiệp của giới trẻ, tôi nhận thấy, kỹ năng nói và thuyết trình của các bạn chưa cao, chưa đủ để truyền cảm hứng mãnh liệt cho ban giám khảo, dù nhiều bạn rất giỏi.

Điều nữa là, nhiều bạn có ý tưởng hay, nhưng lại bị vấp là chưa hiểu rõ các quy định của chính sách liên quan đến dự án khởi nghiệp của mình.

Thực tế, dự án được các bạn làm rất tâm huyết, thậm chí yêu hơn con đẻ vì có những người dành 18 đến 20 tiếng mỗi ngày cho công việc, đến mức quên cả ngủ. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế lại bị vấp bởi các rào cản về chính sách. Các bạn trẻ cần hiểu rằng, trên thực tế, tất cả chúng ta đều là đối tượng của chính sách công và bất cứ làm gì thì cũng chịu sự điều chỉnh của chính sách.

Nếu dự án của các bạn được hỗ trợ bởi các quy định, các chính sách, luật, nghị định hay thông tư đã có, thì khả năng thành công cao hơn. Còn nếu chưa có hỗ trợ, hay chưa biết bao giờ quy định đó mới ra đời, thì có thể khó bền lâu. Bởi vậy, vẫn có những khi tưởng thành công tới 95% rồi mà chỉ còn vướng 5% vào điều khoản nào đó chưa có, dự án vẫn đi vào bế tắc.

Với những start-up được thực hiện bởi nhiều người thì hay có chuyện, bạn giỏi về công nghệ lại không giỏi về thương mại, ngược lại, giỏi về kinh doanh lại ngại tìm hiểu về kỹ thuật, nhưng hai bên lại không dễ kết hợp với nhau.

Một người không thể giỏi tất cả. Vì thế, thay vì ôm đồm, làm cả sở đoản, phải suy nghĩ cẩn thận, xem phần nào là nổi trội nhất, là sở trường của mình để tập trung làm, các phần còn lại sẽ tìm đối tác giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Và quan trọng không kém là, tất cả cùng chung tay, nhưng phải có người lãnh đạo, bởi nếu không có người “lĩnh xướng”, sẽ rất dễ tan đàn, xẻ nghé khi gặp khó khăn, vướng mắc.

Chị có thể chia sẻ một chút về công việc và quan niệm sống?

Tôi thích cuốn sách “Làm như chơi” do Thiền sư Thích Minh Niệm viết. Tôi tự nhận là chưa thực sự đạt đến mức đó, nhưng luôn cố gắng để tiệm cận “làm mà như chơi, chơi mà như làm”. Như cuộc nói chuyện này, rất thoải mái và nhẹ nhàng mà thực ra là một cuộc làm việc. Lịch làm việc của tôi giờ không phân biệt ngày - đêm, cũng không phân biệt đầu tuần - cuối tuần và không phân biệt mùa. Lúc nào tôi cũng có cảm hứng làm việc và có mục đích muốn đất nước, con người Việt Nam tốt lên. Tôi cũng thích mô hình Singapore - nhỏ (small) nhưng tiếng nói có trọng lượng ở khu vực và quốc tế (powerful). Vì thế, tôi xác định mục đích cuộc đời mình là làm cho “Việt Nam tốt đẹp hơn mỗi ngày, dù là nhỏ bé”.

Khi có mục đích sáng rõ, thì đường đi cũng dễ và tôi cho là có thể đi bằng nhiều con đường để tới đích. Đừng hỏi bạn làm cho khu vực công, khu vực tư, hay khu vực kết nối công tư, đừng hỏi bạn làm thuê và chờ được trả lương mỗi tháng hay bạn tự kinh doanh và tự trả lương. Hãy coi việc mình làm ở đâu, làm cho ai chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích của cuộc đời mình. Hãy lựa chọn phương tiện, công cụ nào giúp bạn thực hiện mục đích nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn lực hơn.

Tôi là một người đi học suốt đời và luôn cúi mình trước những điều tử tế, luôn mong muốn được trả lại xã hội một phần may mắn mà mình “may mắn” được hưởng, thông qua các hoạt động, như bạn có thể đã biết một phần nào đó. Bạn chỉ làm tốt nhất cái gì thuộc về bạn. Đất nước này là của bạn. Vậy bạn có cùng tôi, chúng ta cùng nhau hành động để Việt Nam tốt đẹp hơn mỗi ngày hay không?

Tin bài liên quan