Chuyên gia Savills: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam

Chuyên gia Savills: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ…

Chia sẻ tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới đã gần như khôi phục về mức trước đại dịch, với hơn 85% thị trường ghi nhận chỉ số RevPar (Doanh thu trên mỗi phòng sẵn có) cao hơn mức năm 2019.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Nhờ vào sự tăng trưởng mạnh các hoạt động du lịch quốc tế, quốc đảo này thậm chí ghi nhận mức giá phòng vượt mức trước đại dịch.

Trong khi đó, tốc độ khôi phục của Việt Nam chậm hơn khi chỉ số RevPar vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 20%, chủ yếu do công suất khai thác cho thuê phòng còn thấp.

Để có nhận định rõ hơn về thị trường và những điều cần lưu ý, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels.

Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, thưa ông?

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quy định, thủ tục liên quan đến việc phát triển dự án.

Vì vậy, các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các tài sản đã đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án khách sạn, resort chất lượng, thuộc phân khúc 5 sao tại các đô thị trung tâm như TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, những tài sản này thường khá khan hiếm trên thị trường, cũng như ít cởi mở với các nhu cầu chuyển nhượng.

Ông đánh giá thế nào về sản phẩm condotel tại Việt Nam so với Thái Lan và Indonesia?

Có thể nói rằng, nếu một sản phẩm không được hoạch định kỹ lưỡng, phát triển chỉn chu thì sản phẩm đó cũng không thể hoạt động hiệu quả dù có được phát triển tại bất kỳ thị trường nào. Không chỉ tại Việt Nam mới chứng kiến những sản phẩm condotel nhiều vấn đề, một số dự án tại Bali, HuaHin cũng đối mặt với tình trạng “thảm họa” tương tự chỉ vì không được hoạch định, phát triển cẩn trọng.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng có những sản phẩm condotel thành công ví dụ như dự án Hyatt Regency Đà Nẵng, Melia Hồ Tràm... Điểm chung của những sản phẩm là đều được hoạch định, xây dựng và quản lý tốt, đem đến giá trị cho chủ đầu tư và chủ sở hữu.

Tình hình hấp thụ tại Việt Nam so với các nước khác thì như thế nào, thưa ông?

Một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á cũng từng chứng kiến giai đoạn phát triển nóng của các sản phẩm condotel, chẳng hạn như Bali vào giai đoạn 2008, và hiện nay thị trường này đã bước qua giai đoạn “bùng nổ dự án mới”.

Nhìn chung, mỗi một thị trường đều sẽ trải qua một chu kỳ nhất định. Dẫu vậy, so với Thái Lan và Indonesia, thị trường Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức hơn. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam ghi nhận một số lượng lớn condotel được mở bán, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2019 với ước tính trung bình 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm.

Bên cạnh nguồn cung lớn, nhiều sản phẩm mở bán trong giai đoạn này chạy đua cam kết lợi nhuận với thời gian và tỷ lệ “hấp dẫn”, mà thiếu sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh doanh tại Phú Quốc hiện nay?

Phú Quốc có nhiều thuận lợi để trở thành điểm đến quốc tế. Tuy nhiên, đa số nguồn cung trên thị trường hiện chỉ chú trọng vào cung cấp phòng mà chưa quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng. Thị trường cần đa dạng thêm sản phẩm lưu trú, ví dụ như các dự án khách sạn với điểm nhấn thiết kế, các khu nghỉ dưỡng hạng sang đúng nghĩa...

Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường và nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc phát triển một dự án thành công.

Lấy ví dụ như thị trường Phú Quốc, chủ đầu tư khi hoạch định dự án cần cân nhắc kỹ nếu lựa chọn mô hình shophouse vì ở đây hiện đang có rất nhiều nguồn cung sản phẩm này, và phần lớn đều chưa được đưa vào khai thác kinh doanh.

Nguồn khách nội địa được đánh giá một trong những động lực chính hỗ trợ quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Vậy theo ông, có giải pháp gì để thúc đẩy khách nội địa không?

Khách nội địa được xem là nguồn khách có khả năng khôi phục nhanh hơn, cũng như ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động trên thế giới. Trong khi đó, thị trường khách quốc tế với mức chi tiêu cao hơn, đem đến nguồn doanh thu tốt hơn cho hệ sinh thái du lịch trong nước, nhưng đồng thời thị trường này cũng chịu nhiều biến động hơn do các yếu tố địa chính trị.

Vì vậy, để thu hút khách nội địa, việc cải thiện cơ sở hạ tầng là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy du lịch nội địa. Một ví dụ rõ nhất là du lịch Phan Thiết, kể từ sau khi dự án cao tốc hoàn thiện và đi vào hoạt động đã thúc đẩy nhu cầu của nguồn khách nội địa, đặc biệt là từ thị trường TP.HCM khi thời gian di chuyển đã được rút ngắn chỉ còn 2-3 tiếng.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng, thị trường cũng cần đa dạng các sản phẩm du lịch cũng như chú trọng hơn đến trải nghiệm, tiện nghi của du khách.

Tin bài liên quan