Chuyên nghiệp hóa "nghề khai sinh" doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Thực tế 10 năm thi hành Luật Doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu cần có một cơ quan đầu mối để thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, tác dụng của công tác đăng ký kinh doanh như một công cụ để Nhà nước quản lý nền kinh tế và phương tiện để người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ra Quyết định số 1659/QĐ-TTg cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành lập Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh được thành lập với các mục tiêu chủ yếu là: đảm bảo công tác đăng ký kinh doanh là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả của Nhà nước, đồng thời là một phương tiện để thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân; đảm bảo tính hệ thống của các cơ quan đăng ký kinh doanh theo ba cấp: Trung ương, tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện; nâng cao năng lực, chất lượng của công tác đăng ký kinh doanh trong hoạt động của ngành KH&ĐT.

Theo quyết định này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là một cơ quan chuyên biệt, phụ trách việc quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng và được hưởng kinh phí từ ngân sách. Đây là đơn vị trực thuộc Bộ KH&ĐT và sẽ được Bộ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức.

Thực tế 10 năm thi hành Luật Doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu cần có một cơ quan đầu mối để thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, tác dụng của công tác đăng ký kinh doanh như một công cụ để Nhà nước quản lý nền kinh tế và phương tiện để người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.

Đối với Nhà nước, vì thực chất của đăng ký kinh doanh là việc Nhà nước thừa nhận hoặc không thừa nhận tư cách thương nhân cho một nhà đầu tư, nên đăng ký kinh doanh được coi như là một bộ lọc để loại khỏi thương trường những doanh nhân không đủ tư cách, không đủ điều kiện, góp phần làm cho thương trường trở thành nơi hội tụ của các nhà kinh doanh chân chính. Nói cách khác, lợi ích thứ nhất của đăng ký kinh doanh là giúp Nhà nước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, thông qua việc đăng ký kinh doanh, Nhà nước nắm bắt được một cách đầy đủ và có hệ thống các thông tin về số lượng, loại hình DN, về ngành nghề kinh doanh, số vốn đầu tư, tình hình tài chính và tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN, ngành hàng... Các thông tin này là những căn cứ rất cần thiết giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm cơ sở thực tiễn để đề ra các chính sách quản lý kinh tế cho phù hợp. Như vậy, lợi ích thứ hai của đăng ký kinh doanh là giúp Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, nhờ có đăng ký kinh doanh mà Nhà nước có đủ thông tin chính xác để cung cấp kịp thời cho bất cứ ai muốn khởi sự DN, giúp họ giảm chi phí khi gia nhập thị trường, tạo điều kiện cho họ ra các quyết định đúng trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.

Đối với các doanh nhân thì việc đăng ký kinh doanh cũng mang lại không ít lợi ích. Trước hết, thông qua đăng ký kinh doanh mà tư cách thương nhân hợp pháp của họ đã được Nhà nước công nhận. Thứ hai, thông qua cơ quan đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư có thể thu thập được các thông tin cần thiết để làm căn cứ cho các quyết định kinh doanh của mình. Thứ ba là thông qua các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước của cơ quan đăng ký kinh doanh mà các quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân mới có thể được đảm bảo một cách chắc chắn.

Việc thành lập cơ quan đầu mối, chuyên trách quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh được đánh giá là rất cần thiết, bởi theo số liệu của Bộ KH&ĐT, chỉ tính riêng trong tháng 7/2010, cả nước đã có thêm 7.000 DN mới được thành lập, với tổng vốn đăng ký 40.000 tỷ đồng, nâng tổng số DN được thành lập mới trong 7 tháng đầu năm lên 50.000 đơn vị, với vốn đăng ký 291.000 tỷ đồng.

Nếu một hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh, đặc biệt là địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh ở cấp Trung ương không đủ mạnh thì sẽ không đủ sức để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cũng như không đảm bảo được lợi ích của các doanh nhân. Do đó, việc tăng cường thể chế, năng lực và hiệu quả hoạt động của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là rất cần thiết.

Mỗi năm sẽ có khoảng 80.000 DN đăng ký thành lập mới

Trong những năm vừa qua, khối lượng nghiệp vụ đăng ký kinh doanh tăng lên nhanh chóng. Đến hết quý I/2010, cả nước đã có 465.000 DN và gần 4 triệu hộ kinh doanh được đăng ký thành lập. Trong các năm tới, trung bình mỗi năm nước ta sẽ có khoảng 80.000 DN đăng ký thành lập mới. Chỉ tính riêng khối lượng công việc liên quan đến cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các đối tượng là DN thì hàng năm có đến 200.000 bộ hồ sơ phải thụ lý và giải quyết. So với thời điểm đầu năm 2000, khối lượng công việc đăng ký kinh doanh đã tăng hơn 7 lần, trong khi yêu cầu về thời gian giải quyết thủ tục lại giảm 6,4 lần. Mặc dù, việc đăng ký kinh doanh được thực hiện trực tiếp tại các địa phương, song để đảm bảo tính thống nhất về nghiệp vụ đăng ký kinh doanh trên phạm vi cả nước, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ từ Trung ương.

(Nguồn: Bộ KH&ĐT)