Là người có điều kiện tiếp xúc với nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua, ông nhận thấy những khó khăn lớn nhất mà các DN đang gặp phải là gì?
Khó khăn lớn nhất hiện nay là các DN bất động sản đang có số lượng hàng tồn kho nhiều, trong đó chủ yếu là mảng căn hộ có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên. Thứ hai là các DN tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, mà lý do chính là do các khoản vay cũ còn rất lớn nên tổ chức tín dụng không thể cho vay thêm. Các dự án mới muốn tiếp cận với nguồn vốn cũng khó, vì ngân hàng phải nhìn thấy đầu ra cho sản phẩm thì mới cho vay.
Thứ ba là các chi phí đầu vào trước đây như tiền sử dụng đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí vay vốn… đều cao, dẫn đến giá thành đầu ra tăng cao, nên DN không thể giảm giá quá sâu, dẫn đến khó bán được hàng.
Đặc biệt, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. Hiện người tiêu dùng đang thủ thế, chỉ người có nhu cầu ở thật mới mua, còn các nhà đầu tư hầu như chỉ đứng nhìn.
Vậy theo ông, DN bất động sản cần phải làm gì để vượt khó trong thời điểm này?
Để vượt qua khó khăn hiện tại, trước hết, DN cần phải tiến hành tái cơ cấu sản phẩm, nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm đúng với nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu về vốn để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, vì khách hàng hiện rất chú ý đến cam kết này của chủ đầu tư. Ngoài ra, DN cũng cần phải tái cấu trúc hoạt động quản trị doanh nghiệp, nhân sự, cắt giảm chi tiêu cho phù hợp với tình hình khó khăn. Nói tóm lại, DN đang sử dụng đồng loạt nhiều giải pháp để thoát khỏi khó khăn.
Giải pháp giảm giá có phải là “cứu cánh” cho DN lúc này?
Phải tìm mọi cách để bán được hàng là mệnh lệnh sống còn của DN ở thời điểm này, vì vậy phải cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu thực tế để đưa ra giá bán hợp lý. Những việc làm này phải được thực hiện nhanh, ra quyết định sớm để cắt lỗ. Thực tế cho thấy, chính những người đã quyết định nhanh trước đây giảm giá để bán được hàng được cho là “dở hơi”, thì đến nay họ lại trở thành “người thông minh” và có lợi thế về vốn.
Còn việc chuyển nhượng dự án thì sao, thưa ông?
Bản thân DN bất động sản đang có trong tay nhiều tài sản lớn, nhưng tiền mặt thì lại cạn kiệt, trong khi đó phải chịu rất nhiều áp lực từ khách hàng, từ ngân hàng, từ các nhà thầu…, thì cách tháo gỡ được xem là hiệu quả nhất là chuyển nhượng dự án. Trước đây, nhiều chủ đầu tư không đo lường được khó khăn thị trường, nên vẫn có tâm lý cố thủ chờ thời. Nhưng đến thời điểm này, khó khăn đã quá mức chịu đựng, nên trong quý II/2012 vừa qua, số lượng dự án chào bán tăng lên rất nhiều. Hiện Sohovietnam có cả trăm dự án chào bán, từ đất dự án, đất làm tòa nhà văn phòng và chung cư, đến khách sạn, khu resot… Các DN hiện chào bán một cách dứt khoát hơn, đưa ra giá bán sát giá thị trường hơn, với mong muốn bán thành công dự án, chứng tỏ khó khăn đang đè nặng DN.
Ngoài ra, một loại sản phẩm bất động sản khác cũng đang được chào bán nhiều là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Các tổ chức tín dụng cũng tham gia chào bán dự án, họ chào bán chính các tài sản thế chấp với giá rẻ, chỉ với mong muốn thu hồi được vốn, thậm chí chấp nhận không tính khoản lãi vay.
Nhu cầu mua như thế nào, thưa ông?
Viettel vừa mua lại một dự án tòa nhà văn phong tại khu vực Mỹ Đình (Hà Nội), trị giá khoảng 30 triệu USD, để mở rộng trụ sở. Một công ty niêm yết có trụ sở tại TP. HCM bán một tòa nhà ở mặt phố Lò Đúc (Hà Nội) và đã giao dịch thành công.
Sohovietnam đang nhận được nhiều đơn đặt hàng tìm mua những bất động sản có vị trí đẹp để làm trụ sở công ty hay khách sạn 4, 5 sao, hoặc đất để xây bệnh viện, trường học… Người mua chủ yếu có nhu cầu mua đất để phục vụ nhu cầu của chính DN. Họ cho rằng, giá bất động sản đã giảm khá sâu, nên sẽ tìm mua được tài sản giá rẻ.
Ngoài ra, một số người tìm cơ hội hợp tác để cùng thực hiện dự án đối với những chủ đầu tư có uy tín, vị trí dự án đẹp, nhưng đang khó khăn về vốn.