Chuyện từ con cá tra xuất khẩu

(ĐTCK-online) Sau giai đoạn tăng trưởng nóng trong năm 2008, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn. Nguyên nhân của sự suy giảm này đến từ việc thị trường Nga đóng cửa, cùng với việc ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và sự tấn công từ các phương tiện thông tin đại chúng của một số nước nhập khẩu.

Cạnh tranh nội bộ ngành diễn ra khá quyết liệt, không hẳn là giữa các DN lớn, mà là giữa các DN lớn với những DN làm ăn theo kiểu chộp giật. Giai đoạn phục hồi bắt đầu từ tháng 6/2009, và với việc duy trì khối lượng xuất khẩu ổn định khoảng 56.000 tấn/tháng, kết quả xuất khẩu cá tra cả năm 2009 đạt mức 607.665 tấn với kim ngạch 1,34 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Có thể thấy, kết quả này là một nỗ lực lớn của các DN trong ngành, khi mà thị trường lớn là Nga đã đóng cửa trong suốt nửa đầu năm 2009 và sau đó chỉ mở cửa lại một cách hạn chế.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến rào cản thị trường, cũng như đã ban hành Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với mục tiêu đưa cá tra thành mặt hàng chiến lược, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD vào năm 2020. Trước mắt, trong giai đoạn 2010 - 2012, việc sản xuất giống, một khâu đòi hỏi nhiều nguồn lực trong chu trình sản xuất cá tra, sẽ được dành 350 tỷ đồng để phát triển đàn cá tra bố mẹ nhằm cung cấp con giống cho ngành.

 Ba công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam trong 2009 vẫn tiếp tục là Hùng Vương, Vĩnh Hoàn và Nam Việt, nhưng thứ tự có thay đổi với việc Hùng Vương soán ngôi số 1 của Nam Việt. Tuy cùng hoạt động trong ngành cá tra và hiện đều có cổ phiếu niêm yết trên HOSE, nhưng 3 công ty có 3 câu chuyện hoàn toàn khác nhau trong năm 2009.

Vĩnh Hoàn tiếp tục chiến lược phát triển bền vững, chú trọng đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hơn là việc đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô. Cũng giống như Vĩnh Hoàn ở điểm quan tâm xây dựng một chu trình khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, nhưng Hùng Vương với chiến lược trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam về cá tra, đã có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc xâm nhập thị trường cũng như nâng cao quy mô sản xuất và chế biến. Nhìn chung, cả 2 công ty này đều thành công trong năm 2009, thể hiện ở mức lợi nhuận khá ấn tượng.

Ở chiều ngược lại, CTCP Nam Việt (ANV) tiếp tục thua lỗ nặng nề trong quý IV/2009 (cả năm 2009 lỗ 175,88 tỷ đồng, riêng quý IV lỗ 101 tỷ đồng), trong thời điểm mà nhiều người kỳ vọng vào sự hồi phục sau khi Công ty bắt đầu làm ăn có lãi trong quý III/2009. Quá trình thua lỗ của Nam Việt bắt đầu từ quý IV/2008, khi Công ty đẩy mạnh thu mua và chế biến cá xuất khẩu, nhưng việc thị trường Nga bất ngờ đóng cửa đã đẩy ANV vào tình thế vô cùng khó khăn (do khó có thể tái chế cá để xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn) và cả năm 2009 dường như chỉ để xử lý vấn đề này. Việc quay lại thị trường Nga tiếp tục gặp bế tắc, trong khi bán hàng vào các thị trường có độ rủi ro thanh toán cao cũng khiến Công ty phải trích lập dự phòng nợ khó đòi lên tới 32 tỷ đồng. Với việc hiện tại các nhà máy chỉ chạy ở 30% công suất, gánh nặng về khấu hao cũng góp phần không nhỏ vào việc thua lỗ của Nam Việt (trích khấu hao của ANV trong năm 2009 là 93 tỷ đồng, cao nhất trong các công ty trong ngành).

Nhìn về phía trước, triển vọng của ngành vẫn khá tích cực. Sự phục hồi của kinh tế thế giới được hy vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng. Việc đồng USD lên giá so với VND trong năm 2009 cũng như 2010 là một yếu tố giúp các công ty trong ngành tiếp tục được cải thiện, nhưng có thể một phần lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá sẽ bị mất đi do mức độ cạnh tranh nội bộ ngành. Quy định mới có hiệu lực từ năm 2010 của EU về  hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản nhiều hơn, trong khi lại mang lại lợi thế cho ngành nuôi trồng. Tuy nhiên, rủi ro tại thị trường Mỹ vẫn còn tiềm ẩn, liên quan đến việc xếp cá tra vào loại cá da trơn (catfish) Mỹ hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Thị trường Nga mở cửa trở lại sẽ là cơ hội để các DN đạt mức tăng trưởng tốt.

Quay lại với Nam Việt, triển vọng năm 2010 cũng không phải chỉ có một màu xám. Lượng hàng tồn kho (chưa tính dự phòng giảm giá) của ANV hiện đã giảm một nửa so với cuối năm 2008 và nhìn chung ở mức trung bình của ngành (cụ thể là vào khoảng 5.000 tấn, tương đương với 40 ngày xuất khẩu). Chi phí bán hàng của Công ty vẫn giữ được ở mức trung bình, chỉ có chi phí quản lý là ở mức cao do chỉ sử dụng được một phần nhỏ công suất nhà máy...

Điểm đáng chú ý là giá trị sổ sách của Công ty khá cao (21.354 đồng), tương đương mức PB rất thấp là 0,72 và điều này cũng lý giải cho nguyên nhân dù thua lỗ kéo dài, nhưng cổ phiếu ANV luôn nằm trong tầm ngắm của các NĐT. Doanh thu xuất khẩu tháng 1 ước tính ở mức 6 triệu USD và Công ty dự kiến sẽ có lãi trong quý I/2010. Dự án đáng kể nhất trong năm 2010 của ANV vẫn là dự án Ferrocrôm tại Thanh Hóa, đang trong quá trình lắp đặt thiết bị để có thể đưa vào chạy thử vào tháng 6 - 7/2010. Theo ANV thì vấn đề của dự án không phải là đầu ra (do hiện tại đã có nhiều khách hàng mong muốn được độc quyền tiêu thụ sản phẩm của nhà máy), mà nằm ở chất lượng của sản phẩm đầu ra sẽ ở mức như thế nào. Nhìn chung, khả năng thu được lợi nhuận trong năm 2010 của ANV tuy cũng không phải quá khó khăn nhưng khó có thể có đột biến. 

Kết quả kinh doanh năm 2009 của một số DN

 

HVG

VHC

ANV

AGF

Khối lượng XK (tấn)

70.255

38.873

46.073

23.129

Giá trị (triệu USD)

132,86

110,15

84,83

55,14

Giá XK TB (USD/kg)

1,89

2,83

1,84

2,38

Doanh thu thuần (*)

3.084,87

2.796,39

1.859,35

1.334,30

Lợi nhuận từ HĐSXKD (*)

285,15

252,65

-231,98

-65,5

Lợi nhuận ròng (*)

357,62

189,27

-175,88

14,36

Lợi nhuận gộp (*)

523,1

447,4

-41

106

Chi phí bán hàng (*)

202,3

159,2

128,5

136

Chi phí quản lý DN (*)

35,7

35,6

62,5

35,5

Vốn chủ sở hữu (*)

1.758,13

639,64

1400,92

623,43

Số cổ phiếu lưu hành

59.999.993

30.000.000

65.605.250

12.859.288

Giá trị sổ sách (VND)

29.302

21.321

21.354

48.481

Khấu hao (*)

46,25

55,53

93,15

20

Tồn kho (*)

666,24

327,97

284

246,6

Tỷ suất lợi nhuận gộp

16,96%

16,00%

-2,21%

7,94%

Chi phí bán hàng/DT

6,56%

5,69%

6,91%

10,19%

Chi phí quản lý/DT

1,16%

1,27%

3,36%

2,66%

Tồn kho/DT

0,22

0,12

0,15

0,18

PB

1,70

2,27

0,73

0,70