Cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông đường bộ: Tháo tung điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư tư nhân và chính quyền nhiều địa phương kỳ vọng rất lớn vào việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ vào cuối Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV.
Cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông đường bộ: Tháo tung điểm nghẽn

Dù đang ở dạng dự thảo, nhưng nếu sớm được xem xét, thông qua, nghị quyết này sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy hơn nữa quá trình hiện đại hoá hệ thống giao thông đường bộ, với ưu tiên hàng đầu là đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Cần phải nói thêm rằng, sau hơn 12 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh.

Hệ thống đường bộ cao tốc được quan tâm đầu tư không chỉ góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các địa bàn khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch dọc tuyến hoặc khu vực lân cận, mà còn giúp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đồng thời rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, quá trình triển khai áp dụng các quy định pháp luật cũng phát sinh những nội dung chưa thực sự phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế, khiến tiến trình hiện đại hoá hệ thống đường bộ, với điểm nhấn là mạng đường cao tốc quốc gia, chưa nhanh như kỳ vọng, dù khát vọng và nguồn lực thực hiện là rất lớn.

Chính vì vậy, 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ do Chính phủ đề xuất trước Quốc hội được kỳ vọng sẽ tháo tung “điểm nghẽn về cơ chế”, thể chế hóa chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương. Các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trên còn góp phần đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức PPP với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội…

Trên thực tế, các nhóm cơ chế, chính sách nói trên đều xuất phát từ thực tiễn triển khai các dự án hạ tầng đường bộ trong thời gian vừa qua, trong đó có những khó khăn, vướng mắc tại một số quy định, luật liên quan mà các địa phương, nhà đầu tư, chủ đầu tư nhiều lần phản ánh tới Chính phủ, Quốc hội.

Thông qua quá trình thảo luận, cộng đồng các nhà đầu tư, chính quyền cơ sở hy vọng, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra thêm giải pháp thiết thực, có tính khả thi cho Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, các cơ chế đặc thù phải tạo sự chủ động, thông thoáng, linh hoạt khi triển khai dự án đầu tư đường bộ; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cấp, từng ngành theo từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư. Cơ chế được xây dựng phải phù hợp với đặc thù của nguồn vốn tăng thu, góp phần đẩy mạnh phân bổ, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Quan trọng hơn, việc chọn các dự án thí điểm áp dụng các chính sách đặc thù phải được đánh giá kỹ lưỡng những hiệu quả, lợi ích đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Làm tốt các nguyên tắc trên sẽ giúp Nghị quyết, sau khi được thông qua, sớm đi vào cuộc sống, trực tiếp góp phần tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tin bài liên quan