Cơ chế mới điều chỉnh giá điện, MBS điểm tên những doanh nghiệp hưởng lợi

Cơ chế mới điều chỉnh giá điện, MBS điểm tên những doanh nghiệp hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với cơ chế mới về thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng, MBS dự kiến trong năm nay, giá điện bán lẻ có thể sẽ tăng trong khoảng 5 - 10%, giúp EVN cải thiện khả năng thanh toán cho các nhà máy điện và mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. 

Ngày 26/03/2024, Phó Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo cơ chế mới, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, trung bình mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá điện.

Bên cạnh đó, chi phí điều hành giao dịch thị trường và chi phí điều hành – quản lý ngành được đưa vào chi phí sản xuất, phản ánh đầy đủ các chi phí phát sinh.

EVN có trách nhiệm giảm giá điện tương ứng nếu mức giá tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ bình quân hiện hành. Ngược lại, tập đoàn có thẩm quyền điều chỉnh tăng giá điện nếu mức giá tính toán tăng 3 - 5%.

Bộ Công thương cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng là phù hợp, đảm bảo chi phí không bị dồn tích gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN và dần đưa giá điện theo giá thị trường.

Bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 cuối tháng 3 vừa qua của CTCP Cơ điện lạnh (mã REE), bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE chia sẻ, việc điều chỉnh thời gian tăng giá điện của EVN là hợp lý, vì chi phí EVN phải bỏ ra mua điện đang cao hơn giá điện bán ra.

“Sự giám sát của cơ quan nhà nước với EVN rất chặt chẽ bởi có nhiều đầu thanh tra, nên có thể yên tâm chi phí EVN công bố là đúng. Nhưng điều đó cũng chưa phải hoàn hảo, có nhiều chuyện EVN cần phải cải tiến để chi phí giảm xuống”, bà Thanh nói.

Hiện tại, EVN đang thiếu nợ nhóm doanh nghiệp năng lượng của REE lên đến hàng nghìn tỷ đồng, là nợ quá hạn. Vậy nên, cơ chế mới sẽ giúp khả năng thanh toán của EVN với các nhà máy điện của REE sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Trong một phân tích mới đây của MBS, các chuyên gia cho rằng cơ chế mới là dấu hiệu cho các đợt tăng giá điện sau khi văn bản có hiệu lực từ 15/05/2024. Trong năm nay, giá điện bán lẻ có thể sẽ tăng trong khoảng 5 - 10%. Cơ chế này cũng sẽ giảm thiểu đáng kể những áp lực biến động đầu vào (hạn chế lớn của cơ chế cũ, phản ánh rõ nét trong giai đoạn 2021 - 2023). Theo đó, tình hình tài chính của EVN sẽ không chỉ cải thiện trong ngắn hạn, mà đồng thời được đảm bảo hơn trong dài hạn.

“Cơ chế mới ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi EVN đóng vai trò là nhà mua - bán điện chính”, MBS nhấn mạnh.

Với nhận định trên, trong 2024, cơ chế mới sẽ tạo dư địa để EVN tăng giá bán lẻ, phần nào giải quyết được bài toán dòng tiền thanh toán cho các nhà máy, đặc biệt nhóm nhiệt điện như POW, PGV, NT2, QTP ghi nhận khoản phải thu tiền điện tăng mạnh cùng tỷ trọng khoản phải thu/tổng tài sản cao.

Xu hướng tăng phải thu tiền điện của các doanh nghiệp điện từ giai đoạn 2022 - 2023, những doanh nghiệp có tỉ lệ phải thu/tổng tài sản lớn, giá bán cao như các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ hưởng lợi từ việc EVN tăng giá điện.

Xu hướng tăng phải thu tiền điện của các doanh nghiệp điện từ giai đoạn 2022 - 2023, những doanh nghiệp có tỉ lệ phải thu/tổng tài sản lớn, giá bán cao như các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ hưởng lợi từ việc EVN tăng giá điện.

Mặt khác, nhóm xây lắp điện như PC1, TV2 cũng sẽ được hưởng lợi, đến từ nhu cầu đầu tư hạ tầng điện dự kiến tăng 12% so với cùng kỳ trong 2024. Việc tài chính cải thiện giúp EVN đảm bảo hoạt động đầu tư không bị gián đoạn. Với giả định giá bán lẻ điện tăng 5 - 10% trong 2024, dự kiến giá bán lẻ sẽ cao hơn giá đầu vào trung bình (tại quý III/2023) từ 0,4 - 5%, bổ sung 43.000 – 73.000 tỷ đồng doanh thu cho EVN.

Nhìn về dài hạn, MBS khẳng định, cơ chế giá bán lẻ mới là một sự chuẩn bị cần thiết. Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng các nguồn điện giá cao bao gồm điện khí LNG tăng từ 9% lên 24%, điện gió tăng 6% lên 18%, đặc biệt có sự xuất hiện của điện gió ngoài khơi trong 2023 - 2030. Điều này dự kiến sẽ đẩy chi phí huy động bình quân các nhà máy của EVN lên nhanh chóng khi tỷ trọng các nguồn điện truyền thống giá thấp dự kiến sẽ giảm dần.

Với cơ chế mới, MBS hy vọng dư địa huy động các nguồn điện giá cao sẽ tăng lên và phần nào giúp đẩy nhanh tiến độ đàm phán PPA các dự án điện khí, cũng như triển khai các chính sách năng lượng tái tạo khi cơ chế này giúp chuyển một phần rủi ro chi phí tăng sang giá bán lẻ. Theo đó, nhóm doanh nghiệp điện có dự án điện khí LNG như POW, PGV hay những doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu REE, GEX, HDG, BCG sẽ có thể được hưởng lợi.

Tin bài liên quan